Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng phòng hộ có được trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy hay không?
Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng phòng hộ có được trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy hay không?
Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT quy định về đối tượng được trợ cấp bao gồm: Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Dẫn đến khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch này quy định về điều kiện để được trợ cấp gạo như sau:
Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
...
3. Điều kiện được trợ cấp gạo
a) Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.
c) Thực hiện trồng rừng theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, hàng năm được cấp thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện.
Và theo Điều 6 Nghị định 75/2015/NĐ-CP quy định:
Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ
Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình thi được Nhà nước cấp kinh phí theo thiết kế - dự toán để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Như vậy với quy định nêu trên thì hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng phòng hộ thuộc trong đối tượng được trợ cấp gạo nếu như thực hiện trồng rừng phòng hộ theo Điều 6 Nghị định 75/2015/NĐ-CP hàng năm được cấp thẩm quyền nghiệm thu kết quả thực hiện.
Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy (Hình từ Internet)
Mức trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo quy định là bao nhiêu? Và các loại gạo nào được trợ cấp?
Tại khoản 2, khoản 4 Điều 6 Thông tư liên tịch 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT quy định:
Trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
...
2. Mức trợ cấp: 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời Điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương). Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.
...
4. Loại gạo trợ cấp là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%; không bị sâu mọt, nấm, mốc. UBND cấp tỉnh xem xét ưu tiên giải quyết loại gạo phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc được sản xuất ở địa phương.
Theo đó, mức trợ cấp gạo là 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời Điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương).
Và loại gạo trợ cấp là gạo tẻ thường, độ ẩm không quá 14%; không bị sâu mọt, nấm, mốc.
Lập kế hoạch kinh phí trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy như thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư liên tịch 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT quy định:
Lập kế hoạch kinh phí khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy
1. Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch, nhu cầu kinh phí khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy. Đồng thời, tổng hợp trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm sau gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch chung toàn quốc, cụ thể:
a) Xác định diện tích, nhu cầu kinh phí khoán bảo vệ rừng cho từng đối tượng, từng loại rừng theo hướng dẫn tại Điều 4 và mẫu biểu số 01 kèm theo Thông tư này.
b) Xác định diện tích, nhu cầu kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cho từng đối tượng, từng loại rừng theo hướng dẫn tại Điều 5 và mẫu biểu số 02 kèm theo Thông tư này.
c) Xác định diện tích, nhu cầu kinh phí hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung cho từng đối tượng, từng loại rừng theo hướng dẫn tại Điều 5 và mẫu biểu số 03 kèm theo Thông tư này.
d) Xác định nhu cầu trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo hướng dẫn tại Điều 6 và mẫu biểu số 04 kèm theo Thông tư này.
2. Trước ngày 30 tháng 7 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhu cầu kinh phí khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, tổng hợp chung trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng toàn quốc năm sau, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch, nhu cầu kinh phí trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy.
Đồng thời, tổng hợp trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm sau gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch chung toàn quốc, cụ thể: Xác định nhu cầu trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT và mẫu biểu số 04 kèm theo Thông tư liên tịch 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT.
Trước ngày 30 tháng 7 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhu cầu kinh phí trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, tổng hợp chung trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng toàn quốc năm sau, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.