Hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có được hỗ trợ về nhà ở theo quy định hiện nay?

Cha của tôi là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Vậy cho hỏi gia đình của tôi có thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở khi xây dựng nhà mới theo quy định hiện nay? Nếu có thì được hỗ trợ bao nhiêu? - câu hỏi của anh Hùng (Cần Thơ).

Hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có được hỗ trợ về nhà ở theo quy định hiện nay?

Theo điểm i khoản 1 Điều 2 Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ
Hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này phải có đủ các điều kiện sau:
1. Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:
...
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng.
2. Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau:
a) Phải phá dỡ để xây mới nhà ở;
b) Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Như vậy, hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sẽ được hỗ trợ về nhà ở theo quy định với điều kiện hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

Mức hỗ trợ về nhà ở đối với hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là bao nhiêu?

Theo Điều 3 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg quy định về mức hỗ trợ về nhà ở như sau:

Mức hỗ trợ
Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với mức sau:
1. Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Quyết định này;
2. Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nêu tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Quyết định này.

Dẫn chiếu theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 98/2013/TT-BTC hướng dẫn quy định mức hỗ trợ về nhà ở như sau:

Đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn vốn thực hiện
1. Đối tượng hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở quy định tại Điều 2 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg .
2. Mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương):
- 40 (Bốn mươi) triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở hiện có bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mới
- 20 (Hai mươi) triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở hiện có.
...

Như vậy, trường hợp nhà ở của gia đình bạn (hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) cần phải xây dựng lại nhà ở mới thì được hỗ trợ về nhà ở với mức ngân sách tối đa là 40 triệu đồng/hộ.

hỗ trợ về nhà ở

Hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có được hỗ trợ về nhà ở (Hình từ Internet)

Phương thức thực hiện hỗ trợ về nhà ở đối với hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ra sao?

Theo Điều 6 Quyết định 22/2013/QĐ-TTG quy định về phương thức thực hiện hỗ trợ về nhà ở như sau:

Phương thức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
2. Cấp vốn làm nhà ở
a) Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện;
b) Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho cấp xã;
c) Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định của Quyết định này và vận động các hộ tự xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ này.

Như vậy, có thể hiểu việc hỗ trợ về nhà ở đối với hộ gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sẽ phải căn cứ theo danh sách do Ủy ban nhân dân cấp xã lập. Nếu gia đình của bạn không nằm trong danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở thì cũng không được hưởng chế độ nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,160 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào