Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng được pháp luật quy định như thế nào? Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng ra sao?

Tôi muốn biết về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng được pháp luật quy định như thế nào? Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được pháp luật quy định ra sao? Mong được hỗ trợ, xin chân thành cảm ơn!

Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật

Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng được pháp luật hiện hành quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:

“Điều 62. Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau:
a) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực;
b) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án;
c) Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc;
d) Tổ chức tư vấn quản lý dự án.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công khi người quyết định đầu tư giao quản lý thực hiện đồng thời hoặc liên tục các dự án thuộc cùng chuyên ngành hoặc trên cùng một địa bàn.
3. Ban quản lý dự án, tổ chức tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 152 của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Tải trọn bộ các văn bản về trình tự thủ tục dự án đầu tư xây dựng hiện hành: Tải về

Dự án đầu tư xây dựng

Dự án đầu tư xây dựng (Hình từ Internet)

Quản lý tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng như thế nào?

Căn cứ Điều 67 Luật Xây dựng 2014, điểm a khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định quản lý tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:

- Người quyết định đầu tư quyết định thời gian, tiến độ thực hiện khi phê duyệt dự án. Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công thì tiến độ thi công xây dựng không được vượt quá thời gian thi công xây dựng công trình đã được người quyết định đầu tư phê duyệt.

- Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải lập kế hoạch tiến độ, biện pháp thi công xây dựng và quản lý thực hiện dự án theo tiến độ thi công xây dựng được duyệt.

- Chủ đầu tư có trách nhiệm tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng.

- Khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đề xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức quản lý hợp lý để rút ngắn thời gian xây dựng công trình.

Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

"Điều 20. Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, cụ thể như sau:
a) Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây gọi là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn;
b) Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo điểm a khoản này, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.
2. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.
3. Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
4. Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án."

Như vậy, hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Anh Hương Thảo Lưu bài viết
44,111 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào