Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng được quy định như thế nào? Người mang quốc tịch Mỹ được phép trở thành cổ đông sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần không?
Khái niệm và hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng?
Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng
Khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về tổ chức tín dụng như sau:
“1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
Theo đó, tổ chức tín dụng được chia làm 4 loại hình cụ thể, được quy định cụ thể như sau:
Ngân hàng: là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã (khoản 2 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác (khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)
Công ty cho thuê tài chính: là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật này.
Tổ chức tài chính vi mô: là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ (khoản 5 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống (khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)
Hình thức tổ chức của các tổ chức tín dụng nói trên được quy định tại Điều 6 Luật cấc tổ chức tín dụng 2010:
1. Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
5. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.
6. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo đó, mỗi tổ chức tín dụng sẽ có các hình thức tổ chức khác nhau, được quy định tại cụ thể trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sao cho phù hợp với phạm vi hoạt động của từng tổ chức.
Như vậy, ngân hàng thương mại được xem là một tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều kiện để ngân hàng thương mại được cấp giấy phép hoạt động là gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.
Điều kiện cấp giấy phép được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, trong đó:
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN bị bãi bỏ bởi khoản 4 Điều 2 Thông tư 28/2018/TT-NHNN
Điểm a, b, d khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN bị bãi bỏ bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-NHNN
Điểm đ khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-NHNN
Điểm e khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-NHNN và bị bãi bỏ một phần bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-NHNN
Cụ thể như sau:
Điều kiện đối với cổ đông sáng lập:
- Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác;
- Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập;
- Ngoài các điều kiện quy định tại điểm c, đ khoản này, cổ đông sáng lập là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Mang quốc tịch Việt Nam;
+ Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
+ Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân để góp vốn;
+ Là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoặc có bằng đại học, trên đại học chuyên ngành kinh tế hoặc luật;.
- Ngoài các điều kiện quy định tại điểm c, đ khoản này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
+ Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;”.
+ Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Kinh doanh có lãi trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
+ Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp là tổ chức được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
+ Trường hợp là ngân hàng thương mại:
a. Có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép;
b. Không vi phạm các tỷ lệ về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép;
c. Tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng: ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
d. Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.
Người mang quốc tịch Mỹ được phép trở thành cổ đông sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần không?
Theo quy định về điều kiện đối với cổ đông sáng lập nêu trên, cụ thể tại điểm e khoản 2 Điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2018/TT-NHNN, cổ đông sáng lập phải đáp ứng điều kiện: mang quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, người mang quốc tịch Mỹ không thể trở thành cổ đông sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bài viết cung cấp một số thông tin về khái niệm và hình thức tổ chức của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, bài viết cũng nêu ra một số điều kiện cụ thể để một ngân hàng thương mại cổ phần có thể được cấp giấy phép. Theo đó, cổ đông sáng lập là cá nhân của ngân hàng thương mại cổ phần phải là người mang quốc tịch Việt Nam, nên trường hợp người mang quốc tịch Mỹ muốn trở thành cổ đông sáng lập là không thể thực hiện được theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản khác liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.