Hệ thống cơ quan điều tra hình sự gồm những nhóm cơ quan nào? Chỉ có cơ quan điều tra hình sự mới được phép tiến hành hoạt động điều tra đúng không?
Hệ thống cơ quan điều tra hình sự gồm những nhóm cơ quan nào?
Theo quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, hệ thống cơ quan điều tra gồm những nhóm cơ quan sau:
- Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.
- Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.
- Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cụ thể mỗi nhóm cơ quan được quy định tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 như sau:
(1) Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).
- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).
(2) Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân
- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.
- Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
(3) Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Hệ thống cơ quan điều tra hình sự gồm những nhóm cơ quan nào? Chỉ có cơ quan điều tra hình sự mới được phép tiến hành hoạt động điều tra đúng không? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ cụ thể của cơ quan điều tra hình sự là gì?
Căn cứ Điều 8 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cơ quan điều tra hình sự có một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra
1. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao.
3. Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.
4. Tìm ra nguyên nhân, Điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các cơ quan trong hệ thống cơ quan điều tra hình sự được quyền thực hiện các trách nhiệm được giao để đảm bảo thực thi pháp luật.
Chỉ có cơ quan điều tra hình sự mới được phép tiến hành hoạt động điều tra đúng không?
Tại Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định như sau:
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra
1. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.
2. Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
3. Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
4. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
5. Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
6. Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.
7. Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Như vậy, ngoài các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan điều tra hình sự theo quy định tại Điều 4 Luật này, những cơ quan được liệt kê tại Điều 9 kể trên cũng được phép tiến hành hoạt động điều tra trong phạm vi quyền hạn và khả năng của mình, đúng với quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.