Hành vi tống tiền bằng clip nóng sẽ bị xử lý như thế nào? Các bước tố giác hành vi tống tiền bằng clip nóng được quy định như thế nào?

Hành vi tống tiền bằng clip nóng sẽ bị xử lý như thế nào? Các bước tố giác hành vi tống tiền bằng clip nóng được quy định như thế nào? Cụ thể tôi và bạn trai trong thời gian yêu nhau có quay lại những clip tình cảm của cả hai. Nhưng khi chia tay thì anh ấy mang những clip đó ra để đe dọa tôi và bắt tôi phải đưa tiền nếu không sẽ công khai trên mạng xã hội. Vậy cho tôi hỏi hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào? - Câu hỏi của chị Minh Hoa ở Tiền Giang.

Hành vi tống tiền bằng clip nóng sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn cứ điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
...

Căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
...

Theo đó, hành vi tống tiền bằng clip nóng là hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác đưa tiền, tài sản. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngoài ra, nếu người thực hiện hành vi biết việc làm của mình sẽ vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý làm và dùng thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp chị nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn yêu cầu của mình là có dấu hiệu pháp lý của tội danh cưỡng đoạt tài sản.

Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù và hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà việc tống tiền bằng clip nóng của người yêu cũ bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức hình phạt nêu trên.

Hành vi tống tiền

Hành vi tống tiền (Hình từ Internet)

Các bước tố giác hành vi tống tiền bằng clip nóng được quy định như thế nào?

Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:

- Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1);

- Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1).

Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

- Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Hành vi tung clip nóng của người khác lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:

Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Theo đó, hành vi tung clip nóng của người khác lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin, hình ảnh vi phạm.

Căn cứ Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sau:

Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
...

Theo đó, người tung clip nóng lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với các khung hình phạt ứng được quy định tại Điều 326 nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

29,340 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào