Hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì thời hạn nộp hồ sơ hải quan trong bao lâu?
- Hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì thời hạn nộp hồ sơ hải quan trong bao lâu?
- Người được ủy quyền khai hải quan là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế thì cần thực hiện trách nhiệm gì?
- Người khai hải quan khi làm thủ tục hải quan có trách nhiệm như thế nào?
Hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì thời hạn nộp hồ sơ hải quan trong bao lâu?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Thời hạn nộp hồ sơ hải quan
1. Thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
c) Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này.
2. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
3. Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:
a) Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;
b) Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, trong trường hợp đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì thời gian nộp hồ sơ hải quan chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh.
Và, tờ khai hải quan trong hồ sơ hải quan gồm:
+ Đối với khai hải quan cho hàng hoá xuất khẩu khỏi thị trường Việt Nam: thực hiện theo mẫu HQ/2015/XK được ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC; Tải
+ Đối với khai hải quan cho hàng hoá nhập khẩu vào thị trường việt Nam: thực hiện theo mẫu HQ/2015/NK được ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC. Tải
Hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì thời hạn nộp hồ sơ hải quan trong bao lâu? (Hình từ Internet)
Người được ủy quyền khai hải quan là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế thì cần thực hiện trách nhiệm gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 52 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Trường hợp người được ủy quyền khai hải quan là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế thì phải thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định tại Điều 18 của Luật này; chỉ được chuyển, phát hàng hóa sau khi được thông quan.
Như vậy, trong trường hợp người được ủy quyền khai hải quan là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế thì phải thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan như sau:
- Người khai hải quan có quyền:
+ Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;
+ Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;
+ Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;
+ Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;
+ Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;
+ Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:
+ Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014;
+ Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;
+ Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;
+ Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật Hải quản 2014;
+ Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
+ Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, người được ủy quyền khai hải quan chỉ được chuyển, phát hàng hóa sau khi được thông quan.
Lưu ý:
Người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 trong phạm vi được ủy quyền.
Người khai hải quan là người điều khiển phương tiện vận tải thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, e và g khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014.
Người khai hải quan khi làm thủ tục hải quan có trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Thủ tục hải quan
1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:
a) Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
b) Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
c) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan, công chức hải quan có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan;
b) Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
c) Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Quyết định việc thông quan hàng hóa, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Theo đó, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:
- Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật Hải quan 2014;
- Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.