Hai đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo hình thức văn bản giấy và nộp online thì đơn nào được công nhận?
- Có thể nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thông qua phương thức nào?
- Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có thể nộp qua đường bưu điện hay không?
- Hai đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo hình thức văn bản giấy và nộp online thì đơn nào được công nhận?
Có thể nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thông qua phương thức nào?
Căn cứ Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 có quy định như sau:
"Điều 89. Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
2. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
3. Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.”
Theo đó, có thể thấy hai hình thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nói chung được quy định hiện nay đó là nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.
Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có thể nộp qua đường bưu điện hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN có quy định về cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp như sau:
“12. Nộp và tiếp nhận đơn
12.1 Đơn có thể được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tại các địa điểm tiếp nhận đơn khác do Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập. Đơn cũng có thể được gửi qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên. Cục Sở hữu trí tuệ không gửi trả lại các tài liệu đã nộp (trừ bản gốc tài liệu nộp để kiểm tra khi đối chiếu với bản sao).”
Có thể thấy, đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nói chung và đối với nhãn hiệu nói riêng có thể được gửi qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên.
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ không gửi trả lại các tài liệu đã nộp (trừ bản gốc tài liệu nộp để kiểm tra khi đối chiếu với bản sao).
Hai đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo hình thức văn bản giấy và nộp online thì đơn nào được công nhận?
Hai đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo hình thức văn bản giấy và nộp online thì đơn nào được công nhận? (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cụ thể như sau:
“Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
1. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
3. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.”
Như vậy, đối với những trường hợp có hai đơn của hai người khác nhau đăng ký nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho hàng hóa tương tự nhau và không có yếu tố ưu tiên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý như sau:
- Xét cả hai đơn để xác định đơn có đáp ứng điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ hay không
- Xét đơn nào có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng điều kiện nói trên thì văn bằng bảo hộ sẽ được cấp đối với nhãn hiệu của bên đó.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào những căn cứ trên để xác định đơn nào được công nhận, không phụ thuộc vào hình thức nộp đơn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.