Giới hạn vị thế một chứng khoán phái sinh là gì? Thành viên bù trừ có được quyền yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đóng vị thế một chứng khoán phái sinh không?
Giới hạn vị thế một chứng khoán phái sinh là gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 158/2020/NĐ-CP thì:
Giới hạn vị thế một chứng khoán phái sinh là vị thế tối đa của một chứng khoán phái sinh, hoặc của chứng khoán phái sinh đó và các chứng khoán phái sinh khác dựa trên cùng một tài sản cơ sở mà nhà đầu tư được quyền nắm giữ tại một thời điểm.
Trong đó, vị thế một chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là vị thế) là trạng thái giao dịch và khối lượng chứng khoán phái sinh chưa đáo hạn mà nhà đầu tư đang nắm giữ tại một thời điểm. Nhà đầu tư mua hoặc bán một chứng khoán phái sinh được gọi là mở vị thế mua hoặc mở vị thế bán chứng khoán phái sinh đó.
Giới hạn vị thế một chứng khoán phái sinh là gì? (Hình từ Internet)
Thành viên bù trừ có được quyền yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đóng vị thế một chứng khoán phái sinh không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 158/2020/NĐ-CP về quyền và nghĩa vụ của thành viên bù trừ:
Quyền và nghĩa vụ của thành viên bù trừ
1. Quyền của thành viên bù trừ:
a) Được yêu cầu nhà đầu tư đóng góp đầy đủ, kịp thời các khoản ký quỹ trước khi đặt lệnh; được xác định các mức ký quỹ tùy thuộc vào tính chất, quy mô giao dịch của khách hàng, bảo đảm không thấp hơn mức ký quỹ tối thiểu theo quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; được lựa chọn loại chứng khoán để ký quỹ trong danh mục tài sản được chấp nhận ký quỹ; được xác định phương thức và thời hạn ký quỹ, bổ sung ký quỹ, thay đổi chứng khoán ký quỹ, chuyển giao tài sản ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật;
b) Trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, thành viên bù trừ được quyền:
- Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đóng vị thế, thanh lý vị thế bắt buộc đối với các vị thế mở của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện, thành viên bù trừ được thực hiện việc đóng vị thế, thanh lý vị thế bắt buộc đối với các vị thế mở của nhà đầu tư;
- Sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ của nhà đầu tư đề mua hoặc làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đối với các vị thế mở của nhà đầu tư;
c) Được sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư để thực hiện nghĩa vụ ký quỹ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho vị thế của chính nhà đầu tư đó theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này; được sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư để bảo đảm thanh toán, thực hiện thanh toán đối với các vị thế của nhà đầu tư mà mình đứng tên;
d) Thành viên bù trừ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thay thế cho thành viên bù trừ bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này được nhận tài sản ký quỹ của nhà đầu tư do thành viên bị đình chỉ, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ chuyển giao để quản lý.
...
Như vậy, trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, thành viên bù trừ được quyền yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đóng vị thế một chứng khoán phái sinh, thanh lý vị thế bắt buộc đối với các vị thế mở của nhà đầu tư.
Lưu ý: Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện, thành viên bù trừ được thực hiện việc đóng vị thế, thanh lý vị thế bắt buộc đối với các vị thế mở của nhà đầu tư.
Trong đó, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 158/2020/NĐ-CP thì thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh để thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Sở giao dịch chứng khoán có thể áp dụng các biện pháp nào để ổn định thị trường chứng khoán phái sinh và bảo vệ nhà đầu tư?
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 158/2020/NĐ-CP về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán phái sinh:
Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán áp dụng một hoặc một số biện pháp dưới đây để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán:
- Thay đổi số phiên giao dịch, thời gian giao dịch;
- Áp dụng, điều chỉnh giới hạn lệnh;
- Áp dụng biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường;
- Hạn chế mở vị thế mới;
- Dừng hoặc hủy bỏ các lệnh giao dịch.
Lưu ý: Sở giao dịch chứng khoán được tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.