Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được cấp ở đâu? Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được thực hiện như thế nào?
Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được cấp ở cơ quan nào?
Theo Điều 10 Nghị định 06/2011/NĐ-CP quy định về giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi như sau:
- Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi có nội dung chính sau đây:
+ Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax;
+ Họ và tên người đứng đầu cơ sở;
+ Phạm vi, nội dung dịch vụ cung cấp của cơ sở.
- Cơ sở chăm sóc người cao tuổi chỉ được hoạt động theo nội dung ghi trong giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
- Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép.
- Khi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bị mất, bị hư hỏng thì cơ sở được cấp lại giấy phép.
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 06/2011/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được quy định như sau:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động cho các đơn vị sau đây:
+ Cơ sở thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương;
+ Cơ sở do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập có trụ sở chính đặt tại địa phương;
+ Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi đối với các cơ sở khác do các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép có trụ sở chính tại địa phương.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi là cơ quan có thẩm quyền cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Người cao tuổi (Hình từ Internet)
Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi gồm những loại giấy tờ gì?
Theo Điều 12 Nghị định 06/2011/NĐ-CP, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi của cơ sở;
+ Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở.
+ Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 06/2011/NĐ-CP.
- Hồ sơ điều chỉnh, cấp lại giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
+ Văn bản đề nghị điều chỉnh, cấp lại giấy phép;
+ Giấy tờ chứng minh bị mất, bị hư hỏng giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi;
+ Giấy tờ chứng minh thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 13 Nghị định 06/2011/NĐ-CP, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi được thực hiện như sau:
- Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại và điều chỉnh giấy phép hoạt động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định sau đây:
+ Cơ sở chăm sóc người cao tuổi lập hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
- Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại và điều chỉnh giấy phép hoạt động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định sau đây:
+ Cơ sở chăm sóc người cao tuổi lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
+ Trong trường hợp hồ sơ của cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở biết để hoàn thiện hồ sơ.
+ Trường hợp cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở lý do không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.