Giáo viên ở vùng khó khăn có được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để sửa chữa nhà không? Mức cho vay là bao nhiêu?
Giáo viên ở vùng khó khăn (Yên Bái) có được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để sửa chữa nhà không?
Giáo viên vùng khó khăn
Quy định cụ thể về chính sách ưu đãi vay vốn trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo Điều 5 Quyết định 23/2017/QĐ-UBND về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái có quy định:
Về cơ chế cho vay:
- Đối tượng cho vay: Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Điều kiện để được vay vốn: Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ.
- Mục đích sử dụng vốn vay: Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ.
- Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay (nếu có): Thực hiện quy định hiện hành của NHCSXH.
- Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn
+ Thẩm quyền gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn: do NHCSXH các cấp xem xét, quyết định theo quy định của NHCSXH trong từng thời kỳ;
+ Về thủ tục, hồ sơ đề nghị gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, thời gian gia hạn nợ: Thực hiện theo quy định của NHCSXH trong từng thời kỳ.
Khoản 1 Điều 5 Quyết định này có đề cập đến quy định tại Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP về đối tượng được vay vốn. Cụ thể:
"Điều 2. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi gồm:
...
5. Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135)".
Như vậy, anh xác định lại khu vực mình đang sống có đáp ứng quy định trên hay không.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 có đề cập đến quy định tại Điều 14 Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Cụ thể:
"Điều 14. Vốn vay được sử dụng vào các việc sau
1. Đối với hộ nghèo; hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để :
a) Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;
b) Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập".
Như vậy, khi thực hiện thủ tục vay vốn, anh căn cứ vào quy định trên để xác định mục đích vay vốn sao cho phù hợp nhất bởi nếu như thông tin anh cung cấp chỉ là sửa nhà thôi thì đôi khi có thể không thuộc vào mục đích vay vốn theo quy định như trên.
Mức cho vay là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 16, Điều 17, Điều 18 Nghị định 78/2002/NĐ-CP, quy định về các nội dung cho vay như sau:
- Về mức cho vay:
Mức cho vay đối với một lần vay phù hợp với từng loại đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ.
- Về thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn:
+ Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay.
+ Trường hợp Người vay chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do nguyên nhân khách quan, được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ.
+ Trường hợp Người vay sử dụng vốn vay sai mục đích, Người vay có khả năng trả khoản nợ đến hạn nhưng không trả thì chuyển nợ quá hạn. Tổ chức cho vay kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.
+ Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.
- Về lãi suất cho vay:
+ Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định này do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III.
+ Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Như vậy, mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay (nếu có) sẽ thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh có thể liên hệ với ngân hàng tại địa phương mình để kiểm tra.
Trách nhiệm của các sở, ngành và cơ quan có liên quan
Theo Điều 9 Quyết định 23/2017/QĐ-UBND quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, quy định về trách nhiệm của các sở, ngành và cơ quan có liên quan như sau:
- Sở Tài chính (Phòng Tài chính-Kế hoạch đối với cấp huyện): chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân cùng cấp:
+ Bố trí và chuyển vốn từ ngân sách uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định.
+ Chủ trì phối hợp với cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội cùng cấp thẩm định hồ sơ vay vốn đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo đề nghị của NHCSXH, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với nguồn vốn của ngân sách cấp tỉnh) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện (đối với nguồn vốn của ngân sách cấp huyện).
+ Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được theo Quy chế này.
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đối với cấp tỉnh (Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đối với cấp huyện): theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với cơ quan Tài chính và NHCSXH cùng cấp trong việc xây dựng kế hoạch cho vay vốn hàng năm, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn ủy thác qua NHCSXH theo quy định hiện hành và Quy chế này.
- Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện:
+ Hàng năm tổng hợp nhu cầu cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội cùng cấp để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, bố trí vốn chuyển cho NHCSXH.
+ Tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.
+ Thẩm định hồ sơ vay vốn đảm bảo việc cho vay vốn đúng đối tượng, đúng định mức, đúng mục đích; Thực hiện cho vay theo đúng quy định.
+ Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại các hộ gia đình đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Thực hiện thu hồi kịp thời đối với các khoản nợ đến hạn, lãi và vốn vay sử dụng sai mục đích, không đúng cam kết.
+ Lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội cùng cấp để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực thuộc thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này.
- Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
+ Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn theo từng chương trình cho vay theo Quy chế này.
+ Phối hợp với NHCSXH các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi; kiểm tra và xác minh các hộ vay vốn bị rủi ro trên địa bàn.
+ Phối hợp với NHCSXH xử lý các trường hợp nợ quá hạn, hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan; tham gia tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi; có ý kiến về đề nghị xử lý rủi ro của người vay.
- Trách nhiệm của người vay:
+ Phải kê khai đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cung cấp.
+ Sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cam kết.
+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, NHCSXH về việc sử dụng vốn vay.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.