Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật bị phạt bao nhiêu tiền? Ai có trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật?
Mức độ khuyết tật được xác định gồm có những mức độ nào?
Theo Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về mức độ khuyết tật như sau:
“Điều 3. Mức độ khuyết tật
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Ngoài ra, khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về xác định mức độ khuyết tật như sau:
“3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.”
Tải về mẫu Giấy xác nhận khuyết tật mới nhất 2023: Tại Đây
Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật
Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm xác định mức độ khuyết tật như sau:
"Điều 17. Vi phạm về xác định mức độ khuyết tật
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
b) Thực hiện không đầy đủ phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
b) Không thực hiện phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;
b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;
c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 3 Điều này."
Như vậy, gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Ai có trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật?
Theo Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật như sau:
“Điều 15. Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật
1. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
2. Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
3. Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.”
Do đó, việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, Hội đồng giám định y khoa sẽ thực hiện xác định mức độ khuyết tật.
Như vậy, gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc nộp lại giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, Hội đồng giám định y khoa sẽ thực hiện xác định mức độ khuyết tật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.