Giám thị có quyền bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm hay không? Giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm có thể bị xử lý hình sự không?
Giám thị có quyền bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 35 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có quy định về quyền của học sinh như sau:
Quyền của học sinh
…
2. Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lóp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này.
…
Theo đó tại điểm a khoản 1 Điều 31 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có quy định về hành vi ứng xử trang phục của giáo viên, nhân viên như sau:
Hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên
1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
b) Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
c) Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
d) Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
đ) Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.
e) Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục học sinh và các công việc khác.
…
Theo quy định trên thì hành vi giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm có thể được xem là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh, hành vi này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và ảnh hưởng đến sự phát triển của với nam sinh.
Như vậy, thì giám thị không có quyền bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm.
Giám thị có quyền bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm hay không? (Hình từ Internet)
Giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm, xúc phạm danh dự nhân phẩm học sinh thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, có quy định vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học như sau:
Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Như vậy, theo quy định trên thì giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm đến học sinh thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, giám thị còn có thể bị buộc công khai xin lỗi nếu có yêu cầu từ phía người đại diện hợp pháp của học sinh.
Giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm có thể bị xử lý hình sự không?
Căn cứ tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, có quy định về tội làm nhục người khác như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo quy định trên thì giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm, việc này có thể xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nam sinh thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội này.
Cho nên việc giám thị bắt nam sinh cởi quần áo để kiểm tra vi phạm có thể phạm tội làm nhục người khác theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.