Gạo dự trữ quốc gia phải được bảo quản theo công nghệ như thế nào? Quy trình thực hiện ra sao?

Tôi đang tìm hiểu về gạo dự trữ quốc gia theo quy chuẩn mới, cho tôi hỏi gạo dự trữ quốc gia phải được bảo quản theo công nghệ thế nào? Quy trình thực hiện như thế nào? Rất mong được trả lời, tôi xin cảm ơn.

Gạo dự trữ quốc gia phải được bảo quản theo công nghệ thế nào?

Căn cứ tiểu mục 4.1 Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BTC ban hành kèm theo Thông tư 78/2019/TT-BTC quy định về công nghệ bảo quản đối với gạo dự trữ quốc gia như sau:

"4. QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NGHỆ BẢO QUẢN, QUY TRÌNH NHẬP, XUẤT
4.1. Về công nghệ bảo quản
Gạo lưu kho dự trữ quốc gia được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 duy trì nồng độ ≥ 98%, nhằm giảm đến mức thấp nhất nồng độ khí ôxy trong lô gạo ≤ 2%, hạn chế quá trình ôxy hóa làm suy giảm chất lượng gạo và các hoạt động sống của côn trùng, vi sinh vật"

Theo đó gạo dự trữ quốc gia sẽ được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2.

Gạo dự trữ quốc gia phải được bảo quản theo công nghệ thế nào?

Gạo dự trữ quốc gia phải được bảo quản theo công nghệ thế nào? (Hình từ Internet)

Bảo quản gạo dự trữ quốc gia theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 thì cần chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị gì?

Để thực hiện việc bảo quản thì trước tiên phải có đầy đủ dụng cụ, thiết bị theo quy định tại tiểu mục 4.2 Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BTC ban hành kèm theo Thông tư 78/2019/TT-BTC gồm:

- Túi PVC: Túi bọc kín lô gạo được gia công từ màng PVC (Polyvinylclorua) bao gồm tấm phủ (mặt trên và bốn mặt xung quanh lô gạo) và tấm sàn.

- Khí N2 dùng trong bảo quản gạo:

+ Khí N2: Loại N2 kỹ thuật có hàm lượng khí N2 cao nhất quy định tại TCVN 3286 - 79 Nitơ kỹ thuật

+ Khí N2 đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng để nạp vào lô gạo sau khi lô gạo đã đạt yêu cầu về độ kín.

- Palet: Palet được sử dụng trong trường hợp cần thiết, điều kiện kho tàng chưa đảm bảo, nền kho ẩm thấp.

- Thiết bị, phụ kiện hút, nạp khí và xác định độ kín khí gồm:

+ Thiết bị hút khí có công suất đảm bảo hút được không khí trong lô hàng đạt áp suất âm tối thiểu là 1000 Pa (Pascan).

+ Áp kế (Manomet) đảm bảo đo được áp suất trong lô gạo với mức sai số cho phép ± 2%.

+ Vòi dẫn khí là một ống nhựa dẻo đường kính từ 0,5 cm đến 1 cm. Một đầu gắn vào đỉnh lô gạo, đầu còn lại gắn vào áp kế để kiểm tra áp suất trong lô gạo.

+ Ống dẫn khí nạp vào lô gạo là một ống cao su hoặc nhựa dẻo chịu áp lực đường kính khoảng 3 cm độ dài bằng một phần ba chiều dài lô gạo, được gắn một van khóa khí cách đầu ống từ 10 cm đến 15 cm để dẫn khí từ bình khí vào trong lô gạo.

- Thiết bị đo nồng độ khí N2: Thiết bị đo nồng độ khí N2 chuyên dụng với mức sai số cho phép ± 0,3%.

- Các dụng cụ, thiết bị khác: Xiên lấy mẫu, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm lô gạo, cân các loại... thích hợp để sử dụng đối với gạo.

- Bao bì đóng gói: Gạo dự trữ quốc gia được đóng tịnh 50 kg/bao.

Quy trình bảo quản gạo dự trữ quốc gia theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí N2 như thế nào?

Quy trình bảo quản thực hiện theo quy định tại tiểu mục 4.4 Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2019/BTC ban hành kèm theo Thông tư 78/2019/TT-BTC như sau:

Bước 1: Làm kín lô gạo

- Sau khi gạo được chất xếp đủ khối lượng quy định, tiến hành chỉnh sửa lớp bao trên đỉnh lô; vệ sinh quét sạch gạo bị rơi vãi, bụi, rác trong phạm vi lô.

- Thao tác nhẹ nhàng trùm tấm phủ lô theo đúng vị trí các cạnh lô gạo và điều chỉnh để tấm phủ dàn đều các mặt lô gạo.

- Việc dán kín lô có thể thực hiện từ giữa lô về 2 góc hoặc ngược lại.

- Điều chỉnh để tấm phủ tiếp xúc khớp với riềm tấm sàn.

- Mối dán đảm bảo kín và chắc (nếu dán bằng keo thì vệt dán rộng khoảng 5 cm).

- Kỹ thuật dán giống như khi dán tấm sàn.

Chú ý khi dán phải điều chỉnh để tấm phủ phân bổ đều trên tấm sàn và xử lý để mối dán ở 4 góc không bị bong do màng phủ bị dồn. Keo dán cần quét đều khắp mối dán. Chọn loại keo có khả năng bám dính tốt, không tận dụng keo đã quá hạn dùng.

- Kiểm tra: Sau khi lô gạo đã được dán kín toàn bộ cần kiểm tra lại toàn bộ mối dán, chú ý kiểm tra kỹ ở 4 góc lô. Những vị trí chưa đảm bảo phải xử lý gia cố ngay.

- Lắp đặt ống hút nạp khí: Đặt chính giữa lô phía cửa kho cách nền kho từ 10 cm đến 30 cm, được tạo bởi một ống nhựa cứng đường kính khoảng 3 cm xuyên qua tấm phủ. Phần ống ngoài lô gạo dài từ 20 cm đến 30 cm, có một van khóa khí cách miệng ống từ 10 cm đến 15 cm. Phần ống còn lại nằm trong lô gạo được khoan 4 hàng lỗ so le dọc theo ống, đường kính lỗ khoan 0,5 cm, khoảng cách giữa 2 lỗ trong cùng hàng khoảng 10 cm để giúp cho việc hút khí nhanh và khi nạp khí sẽ phân bổ đều.

Phần màng PVC tiếp xúc với ống phải đảm bảo kín, không bị bong trong suốt thời gian bảo quản.

Bước 2: Thử độ kín của lô gạo

- Gắn áp kế kín vào vòi dẫn khí và tiến hành hút khí.

- Cho máy hút khí hoạt động và thường xuyên theo dõi mức nước ở áp kế. Hút khí lô gạo tới mức chênh lệch cột nước trên áp kế là 100 mm (áp suất âm 980,7 Pa) khóa van ở cửa hút khí đồng thời tắt máy.

- Theo dõi ghi chép

- Kiểm tra, xử lý màng bị thủng, hở: Để dò tìm các điểm thủng, hở gây lọt khí cần chọn thời điểm yên tĩnh, hút khí lô gạo tới mức chênh lệch cột nước trên áp kế là 100 mm (áp suất âm 980,7 Pa), tập trung lắng nghe hoặc có thể dùng các thiết bị khuyếch đại âm thanh thông thường để kiểm tra phát hiện, xử lý. Trước hết phải kiểm tra lại toàn bộ các vị trí lộ diện ở xung quanh lô gạo (cần chú ý kiểm tra ở các mối dán ghép, cửa hút nạp khí, gốc lô và van khóa).

Bước 3: Hút khí tăng cường

Lô gạo sau khi thử và kiểm tra độ kín đảm bảo yêu cầu, thì thực hiện tăng cường hút khí trong lô gạo ra ngoài nhằm giảm nhiệt, ẩm lô gạo và ổn định lô gạo, theo dõi độ kín lô gạo. Thực hiện hút không khí trong lô gạo ra ngoài khoảng 5 lần đến 7 lần

Bước 4: Nạp khí N2

- Khi lô gạo đã đảm bảo độ kín thì tiến hành nạp khí N2

- Nạp từ từ khí N2 vào lô gạo. Khi khối lượng khí nạp đến mức 0,6 kg N2/tấn gạo, màng căng phồng thì tạm thời dừng nạp, chờ một thời gian cho khí N2 thẩm thấu vào gạo thì tiến hành kiểm tra nồng độ khí N2. Nếu nồng độ khí N2 đạt dưới 98% thì tiếp tục nạp bổ sung số lượng khí còn lại theo định mức 0,8 kg N2/tấn gạo. Trường hợp nồng độ khí chưa đạt 98% cần kiểm tra độ kín của lô gạo.

Chú ý, chuẩn bị nạp khí cho lô gạo cần tiến hành hút khí tăng cường khoảng 5-7 lần; ngay trước khi nạp hút không khí trong lô gạo cho tới khi độ chênh lệch mức áp kế đạt 100mm. Sau khi nạp khí xong kiểm tra lại xung quanh lô gạo để phát hiện các điểm rò, rỉ khí.

- Đo và ghi lại nồng độ khí N2 sau khi kết thúc đợt nạp khí (thông thường sau 10-15 ngày để khí thẩm thấu vào lô gạo mới đo nồng độ khí).

Lưu ý: Nồng độ N2 trong lô gạo sau khi nạp cần đạt từ 98% trở lên tương đương khối lượng N2 từ 0,7kg đến 0,8 kg N2/tấn gạo; nồng độ N2 trong lô gạo giảm nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào độ kín của lô gạo.

- Khi nồng độ N2 giảm xuống dưới 98% cần nạp bổ sung để đảm bảo ở mức ≥ 98%.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,486 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào