Được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự trong những trường hợp nào?
Trường hợp nào được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP quy định như sau:
Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Khi có một trong các căn cứ sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;
b) Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
c) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).
2. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Trường hợp đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì Tòa án đã nhận đơn khởi kiện chuyển ngay hồ sơ khởi kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
4. Trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác thì Tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo đó, khi có một trong các căn cứ sau đây thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện:
- Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;
- Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
- Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).
>>> Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện TẢI
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Hình từ Internet)
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm không đúng thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Theo Điều 113 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng được xác định như sau:
(1) Người yêu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm khi:
Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba.
(2) Tòa án phải chịu trách nhiệm khi:
Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
- Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
Đơn khởi kiện vụ án dân sự phải có những nội dung gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đơn khởi kiện vụ án dân sự phải có những nội dung chính sau đây:
(1) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
(2) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
(3) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
(4) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
(5) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
(6) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
(7) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
(8) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
(9) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Như vậy, để có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện thì hình thức và nội dung đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.