Dự án đầu tư xây dựng từ bao nhiêu vốn đầu tư trở lên thì chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án?
Dự án đầu tư xây dựng từ bao nhiêu vốn đầu tư trở lên thì chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án?
Căn cứ Điều 62 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án xây dựng như sau:
Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau:
a) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực;
b) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án;
c) Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc;
d) Tổ chức tư vấn quản lý dự án.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công khi người quyết định đầu tư giao quản lý thực hiện đồng thời hoặc liên tục các dự án thuộc cùng chuyên ngành hoặc trên cùng một địa bàn.
3. Ban quản lý dự án, tổ chức tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 152 của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:
Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, cụ thể như sau:
a) Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (sau đây gọi là Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn;
b) Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo điểm a khoản này, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.
2. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.
...
Theo các quy định trên thì hiện không quy định dự án phải bao nhiêu vốn đầu tư trở lên thì chủ đầu tư mới trực tiếp quản lý dự án.
Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng như thế nào (chủ đầu tư tự quản lý bằng bộ máy chuyên môn trực thuộc, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án,...) sẽ do người quyết định đầu tư quyết định dựa trên các yếu tố quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Tải trọn bộ các văn bản về trình tự thủ tục dự án đầu tư xây dựng hiện hành: Tải về
Dự án đầu tư xây dựng từ bao nhiêu vốn đầu tư trở lên thì chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án? (Hình từ Internet)
Trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng thì vấn đề bảo vệ môi trường xây dựng có nằm trong nội dung quản lý không?
Căn cứ Điều 66 Luật Xây dựng 2014 quy định về nội dung quán lý dự án đầu tư xây dựng như sau:
Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoặc giao Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, tổng thầu (nếu có) thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, bảo vệ môi trường xây dựng nằm trong các nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư khi trực tiếp quản lý dự án thì ngoài vấn đề chất lượng công trình, chi phí đầu tư,...thì cũng cần đảm bảo vấn đề môi trường tại nơi xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng để người lao động và khu vực xung quanh.
Trách nhiệm của nhà đầu tư khi quản lý tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng là gì?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về việc quản lý tiến độ thi công xây dựng như sau:
Quản lý tiến độ thi công xây dựng
1. Công trình xây dựng trước khi triển khai thi công phải được nhà thầu lập tiến độ thi công xây dựng phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng và tiến độ tổng thể của dự án, được chủ đầu tư chấp thuận.
2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.
3. Chủ đầu tư, bộ phận giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
4. Trường hợp xét thấy tiến độ thi công xây dựng tổng thể của công trình bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể.
Như vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng gồm:
- Theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
- Trường hợp xét thấy tiến độ thi công xây dựng tổng thể của công trình bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.