Dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa theo tiêu chí nào? Dự án đầu tư xây dựng có phải bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ và có phải lập báo cáo?
Dự án đầu tư xây dựng được phân loại dựa theo tiêu chí nào?
Căn cứ Điều 49 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định như sau:
Phân loại dự án đầu tư xây dựng
1. Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng; công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý; nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
2. Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.
3. Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
a) Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng;
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;
c) Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
d) Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;
đ) Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
e) Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;
g) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.
4. Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
a) Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
b) Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
c) Dự án PPP;
d) Dự án sử dụng vốn khác.
5. Dự án đầu tư xây dựng được sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau; có một hoặc nhiều công trình với loại và cấp khác nhau.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng; công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý; nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
Như vậy, việc phân loại theo nhóm A, B, C hay nhóm I, II, III sẽ dựa trên tiêu chí khác nhau.
Tải trọn bộ các văn bản về trình tự thủ tục dự án đầu tư xây dựng hiện hành: Tải về
Dự án đầu tư xây dựng (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư xây dựng có phải bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ của dự án hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 như sau:
Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng
Dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng.
2. Có phương án công nghệ và phương án thiết kế xây dựng phù hợp.
3. Bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ của dự án, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
5. Tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ của dự án, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Chủ đầu tư có phải lập báo cáo nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:
Lập dự án đầu tư xây dựng
1. Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:
a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
b) Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;
c) Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật này, trừ dự án PPP.
3. Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:
a) Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
b) Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.
4. Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Theo đó, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, có thể thấy rằng chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng theo quy định trừ các trường hợp tại khoản 3 và khoản 4 Điều luật trên thì không cần phải lập báo cáo.
Cho nên bạn xem xét cụ thể nếu nằm trong 2 trường hợp không cần lập báo cáo thì bạn không cần lập nhé.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.