Đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định mới nhất hiện nay bao gồm những nội dung gì?
- Ai là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
- Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được pháp luật quy định như thế nào?
- Đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm những nội dung gì?
- Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng phải chịu trách nhiệm gì?
Ai là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
“1. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.”
Như vậy, thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, cụ thể:
- Trước khi mở phiên tòa: do một Thẩm phán xem xét, quyết định;
- Tại phiên tòa: do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định như sau:
“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.”
Nội dung đơn yêu cầu tòa án dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?
Đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm những nội dung gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Như vậy, đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định mới nhất hiện nay phải bao gồm các nội dung chính nêu trên.
Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng phải chịu trách nhiệm gì?
Theo Điều 113 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng được quy định như sau:
“1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
2. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
b) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
c) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.”
Như vậy, khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.