Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có những quyền hạn và nghĩa vụ gì?
Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng có được xem là chủ rừng không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:
Chủ rừng
1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.
2. Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
3. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (sau đây gọi là đơn vị vũ trang).
4. Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp.
5. Hộ gia đình, cá nhân trong nước.
6. Cộng đồng dân cư.
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.
Như vậy, đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng được xem là chủ rừng.
Nhà nước giao rừng đặc dụng (Hình từ Internet)
Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có những quyền hạn gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 87 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất
1. Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại Điều 73 của Luật này;
b) Được Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
c) Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52, rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 55, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 58, rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
...
Theo đó, đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có những quyền hạn sau:
- Các quyền quy định tại Điều 73 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định cụ thể:
Quyền chung của chủ rừng
1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
2. Được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
3. Sử dụng rừng phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.
4. Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
5. Được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư.
6. Được Nhà nước bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng.
7. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với chủ rừng phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai.
8. Hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng.
9. Được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
- Được Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
- Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan theo quy định tại Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017.
Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 87 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất
...
2. Đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có nghĩa vụ sau đây:
a) Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 của Luật này;
b) Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;
c) Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Như vậy, đơn vị vũ trang được Nhà nước giao rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan có nghĩa vụ như sau:
- Các nghĩa vụ quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017 cụ thể:
Nghĩa vụ chung của chủ rừng
1. Quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo Quy chế quản lý rừng, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng.
3. Trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định của Luật này.
4. Bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng.
5. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
6. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao;
- Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.