Đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì việc lập dự toán, quyết toán các khoản chi cho Hội đồng xác định giá bán sẽ do ai thực hiện?
Đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì việc lập dự toán, quyết toán các khoản chi cho Hội đồng xác định giá bán sẽ do ai thực hiện?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 124/2016/TT-BTC quy định như sau:
Chi phí và lập dự toán, quyết toán các khoản chi cho Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
1. Chi phí gồm:
a) Chi tổ chức các cuộc họp;
b) Chi làm việc ngoài giờ có liên quan đến công việc của Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;
c) Chi cho công tác khảo sát giá (nếu có);
d) Chi văn phòng phẩm, in tài liệu, chi phí lưu trữ;
đ) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xác định giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
2. Dự toán, quyết toán các khoản chi cho Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước do Sở Xây dựng lập theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước;
3. Các khoản chi quy định tại khoản 1 Điều này được chi từ nguồn tiền thu được từ cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trừ trường hợp các khoản chi này đã được bố trí trong dự toán ngân sách giao hàng năm của Sở Xây dựng;
4. Các quy định nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này cũng được áp dụng trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập Hội đồng xác định giá thuê mua, giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Như vậy đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thì dự toán, quyết toán các khoản chi cho Hội đồng xác định giá bán sẽ do Sở Xây dựng lập theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước.
Và chi phí chi cho Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước gồm:
- Chi tổ chức các cuộc họp;
- Chi làm việc ngoài giờ có liên quan đến công việc của Hội đồng xác định giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;
- Chi cho công tác khảo sát giá (nếu có);
- Chi văn phòng phẩm, in tài liệu, chi phí lưu trữ;
- Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xác định giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (Hình từ Internet)
Mức miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 68 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Mức miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
1. Mức miễn, giảm tiền sử dụng đất cho đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 67 của Nghị định này được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị được giảm 60% tiền sử dụng đất phải nộp; đối với hộ nghèo, cận nghèo thì mức giảm này được tính cho cả hộ gia đình (không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình).
2. Mức giảm tiền nhà cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 67 của Nghị định này được quy định như sau:
a) Mỗi năm công tác người mua nhà được giảm tương ứng với 0,69 lần mức lương tối thiểu dùng để áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo quy định của Chính phủ. Trường hợp người mua nhà ở có thời gian làm việc trong lực lượng vũ trang thì mỗi năm công tác trong lực lượng vũ trang được giảm số tiền tương ứng bằng 1,24 lần mức lương tối thiểu quy định tại Điểm này;
b) Trường hợp người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn có năm công tác để tính giảm nhưng tổng số tiền được giảm tính theo năm công tác nhỏ hơn 6,9 lần mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ thì được giảm bằng 6,9 lần mức lương tối thiểu cho một người; trường hợp không có năm công tác để tính thì được giảm bằng 6,9 lần mức lương tối thiểu.
Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì thực hiện tính giảm cho cả hộ gia đình (không tính cho từng thành viên trong hộ gia đình).
Như vậy mức miễn, giảm tiền mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định cụ thể như trên.
Cơ quan nào có thẩm quyền bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước?
Căn cứ theo Điều 64 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Cơ quan bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về việc bán nhà ở và giao cho cơ quan quản lý nhà ở thực hiện việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Nghị định này.
2. Đối với nhà ở cũ tại các địa phương nhưng đang do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu Bộ Quốc phòng có nhu cầu chuyển giao sang cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó quản lý và bán thì Bộ Quốc phòng thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận các nhà ở này. Sau khi tiếp nhận nhà ở từ Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở này và có trách nhiệm tổ chức quản lý, cho thuê hoặc bán theo quy định của Nghị định này.
Như vậy cơ quan có thẩm quyền bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện như quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.