Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công thì việc tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư diễn ra như thế nào? Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư quy định như thế nào?
- Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công diễn ra như thế nào?
- Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định như thế nào?
- Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công là bao lâu?
Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công diễn ra như thế nào?
Căn cứ Điều 97 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về việc tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư như sau:
(1) Các bộ, ngành phân công một đơn vị trực thuộc (cấp vụ) làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của bộ, ngành mình; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị khác trực thuộc, các dự án được bộ, ngành phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới.
(2) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của tỉnh, thành phố; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cấp, đơn vị trực thuộc, các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp dưới.
(3) Các doanh nghiệp nhà nước giao bộ phận phụ trách kế hoạch đầu tư làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của doanh nghiệp; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các đơn vị trực thuộc.
(4) Chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng giao Ban quản lý dự án hoặc chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý.
(5) Nhà đầu tư sử dụng doanh nghiệp dự án hoặc chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi quản lý.
(6) Trường hợp một cơ quan thực hiện đồng thời vai trò của hai chủ thể trở lên trong các chủ thể sau: cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ quản, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đăng ký đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP, chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng; việc giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện như sau:
- Đơn vị đầu mối thực hiện tất cả các nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan. Riêng nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư với vai trò là chủ chương trình, chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng phải giao cho đơn vị đại diện chủ chương trình, chủ đầu tư, chủ sử dụng thực hiện;
- Nội dung giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện trên cơ sở lồng ghép các nội dung giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ thể được phân công.
(7) Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo các hình thức sau:
- Tự thực hiện giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư và giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư;
- Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư và đánh giá tổng thể đầu tư.
(8) Việc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư và đánh giá tổng thể đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Giám sát đầu tư công
Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 90 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư, cụ thể:
(1) Việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình đầu tư công, chủ đầu tư dự án đầu tư công thực hiện theo quy định về quản lý chi phí chương trình, dự án đầu tư.
(2) Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án PPP thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
(3) Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác: Nhà đầu tư tự quản lý và sử dụng nguồn kinh phí giám sát, đánh giá đầu tư theo tính chất quản lý nguồn vốn đầu tư của dự án.
(4) Quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Hằng năm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giám sát, đánh giá đầu tư lập kế hoạch và dự toán chi sự nghiệp, chi thường xuyên cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư. Dự toán chi cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư được lập trên cơ sở kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư, nội dung chi theo quy định tại Điều 89 Nghị định này và định mức theo quy định hiện hành;
- Việc quản lý chi phí giám sát, đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng nguồn chi sự nghiệp, chi thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Luật Ngân sách nhà nước;
- Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuê tư vấn để thực hiện đánh giá chương trình, dự án đầu tư thì việc quản lý chi phí này như quản lý chi phí dịch vụ tư vấn. Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho tư vấn đánh giá chương trình, dự án được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát, thanh toán vốn đầu tư đối với các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng.
(5) Quản lý, sử dụng chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng:
- Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và do ngân sách cấp xã đảm bảo. Mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội đồng nhân dân xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 10 triệu đồng/năm cho một xã.
Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác của cấp xã;
- Chi phí hỗ trợ công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết về giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp huyện, tỉnh được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp tỉnh và do ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh đảm bảo.
(6) Việc lập dự toán chi phí giám sát và đánh giá đầu tư và quản lý chi phí giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành.
Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công là bao lâu?
Tại khoản 11 Điều 100 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, cụ thể:
Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư:
+ Chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư:
- Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
- Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
- Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
+ Cơ quan đăng ký đầu tư: Gửi báo cáo hằng năm trước ngày 20 tháng 02 năm sau.
+ Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước: Gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hàng năm trước ngày 01 tháng 3 năm sau.
+ Thời hạn báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng;
- Ban giám sát đầu tư của cộng đồng gửi báo cáo trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi báo cáo hằng năm trước ngày 20 tháng 02 năm sau.
+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp công tác giám sát, đánh giá đầu tư năm trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.