Đối tượng nào được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị? Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm những gì? Thời gian đào tạo sĩ quan dự bị là bao lâu?
Đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị?
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 78/2020/NĐ-CP thì đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm:
- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;
- Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên;
- Sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Như vậy, sinh viên khi tốt nghiệp đại học là đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị.
Tiêu chuẩn để tuyển chọn sĩ quan dự bị bao gồm những gì?
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 78/2020/NĐ-CP thì tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị được quy định như sau:
- Tiêu chuẩn chung:
Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có lịch sử chính trị của gia đình và bản thân rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, kiến thức chuyên môn, học vấn, tuổi đời phù hợp với từng đối tượng; sức khỏe từ loại 01 đến loại 03 theo quy định tuyển chọn sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Tiêu chuẩn cụ thể:
Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30;
Cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30.
Sĩ quan dự bị
Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm những gì?
Theo Điều 7 Nghị định 78/2020/NĐ-CP thì hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị được quy định như sau:
- Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, gồm:
+ Bản sơ yếu lý lịch tự thuật, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi lao động, học tập, làm việc (đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học và hạ sĩ quan dự bị); hồ sơ quân nhân (đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ);
+ Bản thẩm tra xác minh lý lịch;
+ Phiếu (giấy) khám sức khỏe;
+ Bản sao chụp các văn bằng, chứng chỉ, bản công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền.
- Trách nhiệm lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị
+ Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện lập hồ sơ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên và hạ sĩ quan dự bị; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ;
+ Cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập hồ sơ đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;
+ Các học viện, trường đại học lập hồ sơ đối tượng sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
- Thời gian hoàn thành lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này là 30 ngày, trước ngày thông báo có mặt nhập học tại các học viện, nhà trường Quân đội.
- Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo sĩ quan dự bị, trong thời gian đào tạo có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sĩ quan dự bị (hồ sơ gốc) trên cơ sở hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, nội dung bổ sung, hoàn thiện gồm: Lý lịch sĩ quan dự bị, quyết định phong quân hàm sĩ quan dự bị, giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị và các giấy tờ khác có liên quan. Kết thúc khóa đào tạo, bàn giao hồ sơ về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú hoặc lao động, làm việc.
Như vậy, để tham gia tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị cần chuẩn bị các hồ sơ như sơ yếu lý lịch, bản thẩm tra xác minh lý lịch, phiếu (giấy) khám sức khỏe, bản sao chụp các văn bằng chứng chỉ, bản công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền.
Thời gian đào tạo sĩ quan dự bị là bao lâu?
Theo Điều 8 Nghị định 78/2020/NĐ-CP thì tổ chức, thời gian, chương trình đào tạo sĩ quan dự bị được quy định như sau:
- Tổ chức đào tạo sĩ quan dự bị
Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị.
- Thời gian, ngành đào tạo sĩ quan dự bị
+ Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh, chính trị và ngành y, dược là 03 tháng;
+ Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh; sinh viên khi tốt nghiệp đại học đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh và ngành y, dược là 04 tháng;
+ Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị quân chủng, binh chủng là 05 tháng.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung đào tạo đối với từng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, thời gian đào tạo đối với hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh, chính trị và ngành y, dược là 03 tháng; Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh; sinh viên khi tốt nghiệp đại học đào tạo sĩ quan dự bị bộ binh và ngành y, dược là 04 tháng; Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ đào tạo sĩ quan dự bị quân chủng, binh chủng là 05 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.