Đối tượng nào được công nhận là sáng kiến của Tổng cục Hải quan? Sáng kiến của Tổng cục Hải quan có bao nhiêu cấp độ?
Đối tượng nào được công nhận là sáng kiến của Tổng cục Hải quan?
Căn cứ tại Điều 2 Quy định về sáng kiến và xét, công nhận sáng kiến của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2448/QĐ-TCHQ năm 2016, có quy định về đối tượng được công nhận là sáng kiến như sau:
Đối tượng được công nhận là sáng kiến
Đối tượng được công nhận là sáng kiến gồm: các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có tính mới để áp dụng nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị (gọi chung là giải pháp) hoặc xây dựng các văn bản quản lý (tham gia hoặc chủ trì soạn thảo Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ, Văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, của đơn vị...) đã được ban hành hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng, trong đó:
1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức - kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm các quy trình, lập trình phần mềm tin học (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý...).
2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của Tổng cục Hải quan, như:
2.1. Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu);
2.2. Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của Tổng cục Hải quan, như:
3.1. Phương pháp triển khai thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu).
3.2. Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá.
3.3. Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện.
3.4. Phương pháp huấn luyện động vật nghiệp vụ.
3.5. Có nguồn tin chuyển hóa thành chuyên án hoặc phương pháp đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả.
3.6. Đưa ra được các biện pháp xử lý tình huống linh hoạt, sáng tạo để tránh được hoặc làm hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại xảy ra trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
3.7. Phương pháp, giải pháp nâng cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
4. Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc phương pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn.
5. Xây dựng các văn bản quản lý (tham gia hoặc chủ trì soạn thảo Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ, Văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, của đơn vị...), nếu đạt được các yêu cầu sau:
5.1. Là đề xuất, ý tưởng của chính cá nhân đó, do cá nhân đó trực tiếp làm, có tính mới, không trùng lắp với người khác, đơn vị khác.
5.2. Được đưa vào nội dung văn bản quản lý và giải quyết được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể đặt ra.
5.3. Văn bản quản lý được lãnh đạo các cấp có thẩm quyền duyệt, ký ban hành.
Như vậy, theo quy định trên thì đối tượng được công nhận sáng kiến của Tổng cục Hải quan là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có tính mới để áp dụng nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị hoặc xây dựng các văn bản quản lý đã được ban hành hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng.
Đối tượng nào được công nhận là sáng kiến của Tổng cục Hải quan? (Hình từ Internet)
Sáng kiến của Tổng cục Hải quan có bao nhiêu cấp độ?
Căn cứ tại Điều 3 Quy định về sáng kiến và xét, công nhận sáng kiến của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2448/QĐ-TCHQ năm 2016, có quy định về xác định cấp độ sáng kiến như sau:
Xác định cấp độ sáng kiến
1. Sáng kiến cấp cơ sở là sáng kiến được áp dụng trong phạm vi ở đơn vị cơ sở (đơn vị cơ sở, bao gồm: Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan).
2. Sáng kiến cấp Ngành là sáng kiến được áp dụng trong phạm vi ở tất cả các đơn vị cơ sở hoặc một số đơn vị cơ sở - từ 3 đơn vị trở lên).
Ngoài ra các văn bản quản lý đã ban hành và những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng cục Hải quan hoặc cấp Bộ Tài chính đã được nghiệm thu đưa vào áp dụng trong trong thực tế ở Tổng cục Hải quan, ở Bộ Tài chính có hiệu quả được coi là sáng kiến cấp Ngành.
3. Sáng kiến cấp Toàn quốc là sáng kiến được áp dụng trong phạm vi ở tất cả các Bộ, Ngành, địa phương hoặc một số Bộ, Ngành, địa phương hoặc trong phạm vi ở nhiều đơn vị trong ngành Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Như vậy, theo quy định trên thì Sáng kiến của Tổng cục Hải quan có 03 cấp độ: Sáng kiến cấp cơ sở; Sáng kiến cấp Ngành; Sáng kiến cấp Toàn quốc.
Những đối tượng nào không được công nhận là sáng kiến của Tổng cục Hải quan?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Quy định về sáng kiến và xét, công nhận sáng kiến của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2448/QĐ-TCHQ năm 2016, có quy định về các điều kiện để được công nhận sáng kiến như sau:
Các điều kiện để được công nhận sáng kiến
…
2. Những đề tài khoa học cấp Tổng cục Hải quan, cấp Bộ gắn với các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan đã được nghiệm thu đạt yêu cầu trở lên và áp dụng trong thực tiễn công tác. Những đề tài khoa học này, được coi là sáng kiến cấp Ngành, Hội đồng sáng kiến Tổng cục không phải họp xét, mà giao cho Thường trực Hội đồng rà soát, tổng hợp, báo cáo thông qua Hội đồng trong kỳ họp Hội đồng.
3. Các đối tượng sau đây không được công nhận là sáng kiến:
3.1. Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, pháp luật.
3.2. Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
Như vậy, theo quy định trên thì những đối tượng không được công nhận là sáng kiến của Tổng cục Hải quan là:
- Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội, pháp luật.
- Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.