Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch? Thủ tục thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch được quy định ra sao?
Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN quy định như sau:
Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch
1. Thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức, cá nhân chưa đăng ký sử dụng mã số, mã vạch;
b) Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch có nhu cầu đăng ký cấp mới trong các trường hợp sau:
b1) Đã sử dụng hết quỹ mã số được cấp;
b2) Đăng ký bổ sung mã GLN;
b3) Bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch nhưng đã đủ điều kiện cấp lại theo quy định pháp luật;
b4) Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch hết thời hạn hiệu lực.
...
Theo đó, những đối tượng sau đây được cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch:
- Tổ chức, cá nhân chưa đăng ký sử dụng mã số mã vạch;
- Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch có nhu cầu đăng ký cấp mới trong các trường hợp sau:
+ Đã sử dụng hết quỹ mã số được cấp;
+ Đăng ký bổ sung mã GLN;
+ Bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch nhưng đã đủ điều kiện cấp lại theo quy định pháp luật;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết thời hạn hiệu lực.
Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch? (Hình từ Internet)
Thủ tục thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch được quy định ra sao?
Theo Điều 19c Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch tại cơ quan thường trực về mã số mã vạch.
Hồ sơ đăng ký bao gồm :
- Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Cơ quan thường trực về mã số mã vạch tổ chức thẩm định hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung;
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đóng các khoản phí theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch.
Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận không quá 03 năm kể từ ngày cấp.
Bước 3: Trả kết quả
Trả kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan thường trực về mã số mã vạch hoặc theo đường bưu điện.
Thời hạn giải quyết: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch có trách nhiệm như thế nào?
Theo Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
Trách nhiệm của tổ chức sử dụng mã số, mã vạch
1. Đối với tổ chức sử dụng mã số, mã vạch theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 và có tiền tố mã quốc gia Việt Nam “893”:
a) Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Tạo và gắn mã số, mã vạch cho các đối tượng thuộc quyền sở hữu của tổ chức theo quy định;
c) Khai báo, cập nhật và cung cấp thông tin liên quan về tổ chức và các đối tượng sử dụng mã số, mã vạch với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng;
d) Chịu trách nhiệm về tính đơn nhất của mã số, mã vạch khi sử dụng và không buôn bán sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng mã số, mã vạch theo quy định của pháp luật;
đ) Không bán, chuyển nhượng quyền sử dụng mã số, mã vạch cho tổ chức khác;
e) Trường hợp ủy quyền cho đối tác liên doanh hoặc gia công, chế biến sử dụng mã số, mã vạch phải có văn bản ủy quyền;
g) Nộp phí cấp và phí duy trì quyền sử dụng mã số, mã vạch theo quy định;
h) Thực hiện đăng ký cấp mới hoặc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch;
i) Thông báo bằng văn bản và nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức không có nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch hoặc chấm dứt hoạt động.
3. Đối với tổ chức sử dụng mã số, mã vạch không theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1:
a) Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về loại mã số, mã vạch đang sử dụng;
b) Khi đưa các đối tượng sử dụng mã số, mã vạch ra thị trường hoặc ngoài phạm vi của tổ chức, tổ chức phải đảm bảo các mã số, mã vạch đã sử dụng không được trùng lắp hoặc gây nguy cơ nhầm lẫn với các loại mã số, mã vạch theo chuẩn của Tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1; có biện pháp cảnh báo, chỉ dẫn phân biệt đi kèm hoặc loại bỏ mã số, mã vạch đó trước khi đưa ra thị trường.
4. Đối với tổ chức phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa:
a) Kiểm tra, kiểm soát chất lượng và tính hợp pháp của mã số, mã vạch trên hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông;
b) Không phân phối, lưu thông và buôn bán sản phẩm, hàng hóa hoặc đối tượng có sử dụng mã số, mã vạch không đúng quy định.
5. Đối với tổ chức, cá nhân phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số, mã vạch:
a) Bảo đảm sử dụng nguồn dữ liệu về đối tượng sử dụng mã số, mã vạch đúng, phù hợp với nguồn dữ liệu mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1;
b) Không công bố thông tin sai lệch về chủ sở hữu mã số, mã vạch hoặc đối tượng sử dụng mã số, mã vạch đã tuân thủ quy định;
c) Trường hợp khai thác hoặc sử dụng nguồn dữ liệu mã số, mã vạch quốc gia, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả chi phí sử dụng.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc sử dụng mã số, mã vạch quy định tại Điều này.
Theo đó, doanh nghiệp khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch phải đảm bảo các trách nhiệm kể trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.