Đối tượng nào có quyền đăng ký thiết kế bố trí của Nhà nước? Bảo hộ đối với thiết kế bố trí cần đảm bảo điều kiện gì?
Đối tượng nào có quyền đăng ký thiết kế bố trí của Nhà nước? Trường hợp Nhà nước góp vốn nghiên cứu thì ai sẽ thực hiện đăng ký?
Thiết kế bố trí (Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước như sau:
- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
- Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu - phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu - phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu - phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
- Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó.
Theo đó, các đối tượng được quy định nêu trên là chủ sở hữu hợp pháp của thiết kế bố trí có quyền đăng ký thiết kế bố trí của Nhà nước và được pháp luật bảo vệ.
Trong trường hợp Nhà nước góp vốn nghiên cứu thì tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
Bảo hộ đối với thiết kế bố trí cần đảm bảo điều kiện gì?
Căn cứ theo Điều 68 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện đối với thiết kế bố trí được bảo hộ cụ thể:
Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ
Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có tính nguyên gốc;
2. Có tính mới thương mại.
Tính nguyên gốc và tính mới thương mại của thiết kế bố trí được quy định chi tiết tại Điều 70, Điều 71 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể như sau:
(1) Tính nguyên gốc của thiết kế bố trí:
Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
+ Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc theo quy định tại khoản 1 Điều này.
(2) Tính mới thương mại của thiết kế bố trí
+ Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
+ Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86, Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
+ Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản 2 Điều này là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
Trường hợp nào sẽ không được đăng ký bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí?
Căn cứ theo Điều 69 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các trường hợp không đăng ký bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí như sau:
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:
1. Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
2. Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
Theo đó, khi thiết kế bố trí thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì sẽ không được đăng ký bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.