Đối tượng bắt buộc tham dự huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có bao gồm người đứng đầu cơ sở sản xuất không?
- Đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có bao gồm người đứng đầu cơ sở sản xuất không?
- Thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với người đứng đầu cơ sở sản xuất là bao nhiêu giờ?
- Người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động có các quyền và nghĩa vụ gì?
Đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có bao gồm người đứng đầu cơ sở sản xuất không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP có quy định đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cụ thể bao gồm:
- Nhóm 1:
+ Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương;
+ Cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
+ Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở;
+ Người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
- Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
- Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có bao gồm người đứng đầu cơ sở sản xuất.
Theo đó, người đứng đầu cơ sở sản xuất thuộc nhóm 1 đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động có bao gồm người đứng đầu cơ sở sản xuất không? (Hình từ Internet)
Thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với người đứng đầu cơ sở sản xuất là bao nhiêu giờ?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP có quy định về thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động như sau:
Thời gian huấn luyện
Thời gian huấn luyện lần đầu tối thiểu được quy định như sau:
1. Nhóm 1, nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
2. Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra.
3. Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
4. Nhóm 5: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
5. Nhóm 6: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người đứng đầu cơ sở sản xuất thuộc nhóm 1 đối tượng bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động sẽ có tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động có các quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động như sau:
Thứ nhất, người sử dụng lao động có quyền sau đây:
- Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
Thứ hai, người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan.
- Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
- Trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
- Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
- Thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
- Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
- Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
- Phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
- Thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.
- Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.