Đối tượng bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip trong năm tới gồm những đối tượng nào?
Đối tượng bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip trong năm tới gồm những đối tượng nào?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP) quy định như sau:
Điều 2. Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.
Bên cạnh đó, tại Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân như sau:
Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Từ những quy định trên thì những người còn đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân cũ bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip nếu:
(1) Đã hết thời hạn sử dụng 15 năm đối với chứng minh nhân dân.
(2) Công dân đã đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Như vậy, những công dân sinh năm 1964, 1984 và 1999 sẽ buộc phải đi đổi sang căn cước công dân gắn chip trong năm tới.
Lưu ý: Trong trường hợp công dân đã làm thủ tục đổi sang căn cước công dân gắn chip trong vòng 2 năm trước đó thì căn cước công dân gắn chip sẽ có giá trị sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo.
Đối tượng bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip trong năm tới gồm những đối tượng gì? (Hình từ Internet)
Công dân buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chíp trong trường hợp nào khác hay không?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định về trường hợp đổi chứng minh nhân dân như sau:
Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân
1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
...
Căn cứ Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về trường hợp đổi căn cước công dân như sau:
Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
...
Theo quy định trên thì ngoài trường hợp bắt buộc phải đổi đã nêu trên thì công dân còn có thể đổi sang căn cước công dân gắn chip nếu thuộc các trường hợp sau:
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Không đổi căn cước công dân, chứng minh nhân dân đã hết hạn sử dụng thì có bị phạt tiền hay không?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính khi không đổi căn cước công dân hết hạn như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
...
Như vậy, trong trường hợp đã đến thời hạn bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân găn chíp mà công dân không làm thủ tục cấp đổi thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.