Doanh nghiệp viễn thông có thể lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác không?
- Doanh nghiệp viễn thông có thể lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác không?
- Doanh nghiệp viễn thông không được quyết định giá dịch vụ viễn thông do mình cung cấp trong trường hợp nào?
- Doanh nghiệp viễn thông được phép tiết lộ thông tin thuê bao viễn thông không thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông không?
Doanh nghiệp viễn thông có thể lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác không?
Căn cứ theo Điều 57 Luật Viễn thông 2023 về nguyên tắc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông như sau:
Nguyên tắc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông
1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ viễn thông và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ viễn thông đối với dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
2. Hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông.
3. Rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ viễn thông trong trường hợp cần thiết. Việc điều chỉnh giá dịch vụ viễn thông bảo đảm phù hợp với các căn cứ định giá quy định tại Điều 58 của Luật này.
4. Tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông.
5. Phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
6. Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
7. Bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá dịch vụ viễn thông.
8. Không lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này để hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác của chính doanh nghiệp đó.
Như vậy, theo quy định về nguyên tắc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông thì doanh nghiệp dịch vụ viễn thông không được phép lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này để hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác của mình.
Doanh nghiệp viễn thông có thể lấy lợi nhuận từ việc kinh doanh dịch vụ viễn thông này hỗ trợ cho việc kinh doanh dịch vụ viễn thông khác không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp viễn thông không được quyết định giá dịch vụ viễn thông do mình cung cấp trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 59 Luật Viễn thông 2023 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông như sau:
Quản lý giá dịch vụ viễn thông
...
3. Doanh nghiệp viễn thông có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định giá dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp, trừ dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
b) Trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án giá dịch vụ viễn thông do Nhà nước định giá;
c) Thực hiện phương pháp định giá dịch vụ viễn thông và các quy định quản lý giá dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Hạch toán chi phí, xác định giá thành dịch vụ viễn thông theo đúng quy định;
...
Theo đó, doanh nghiệp viễn thông có quyền quyết định giá dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp, trừ dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Như vậy, trường hợp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì doanh nghiệp viễn thông không được quyền quyết định giá dịch vụ viễn thông do mình cung cấp.
Doanh nghiệp viễn thông được phép tiết lộ thông tin thuê bao viễn thông không thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông 2023 về bảo đảm bí mật thông tin như sau:
Bảo đảm bí mật thông tin
...
4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet), trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
b) Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;
c) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông thì doanh nghiệp được phép tiết lộ thông tin thuê bao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.