Doanh nghiệp viễn thông có thể mở đại lý dịch vụ viễn thông để hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng không?
- Doanh nghiệp viễn thông có thể mở đại lý dịch vụ viễn thông để hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng không?
- Đại lý dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp thì có cần phải xin giấy phép viễn thông để hoạt động hay không?
- Đại lý dịch vụ viễn thông sẽ có những quyền hạn và nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật hiện nay?
Doanh nghiệp viễn thông có thể mở đại lý dịch vụ viễn thông để hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng không?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định về việc bán lại dịch vụ viễn thông như sau:
Bán lại dịch vụ viễn thông
1. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông.
2. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ, phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, trước khi bán lại dịch vụ viễn thông di động, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể việc bán lại dịch vụ viễn thông.
Theo quy định thì trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông.
Như vậy, doanh nghiệp có thể mở đại lý dịch vụ viễn thông theo hình thức bán lại dịch vụ viễn thông cố điịnh.
Doanh nghiệp viễn thông có thể mở đại lý dịch vụ viễn thông để hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng không? (Hình từ Internet)
Đại lý dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp thì có cần phải xin giấy phép viễn thông để hoạt động hay không?
Căn cứ Điều 40 Luật Viễn thông 2009 quy định về những trường hợp được miễn giấy phép viễn thông như sau:
Miễn giấy phép viễn thông
Tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây:
1. Kinh doanh hàng hóa viễn thông;
2. Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông;
3. Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông;
4. Mạng viễn thông dùng riêng, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 24 của Luật này.
Theo quy định trên thì việc cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông không cần phải có giấy phép viễn thông.
Đại lý dịch vụ viễn thông sẽ có những quyền hạn và nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật hiện nay?
Căn cứ Điều 15 Luật Viễn thông 2009 quy định về quyền và nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viên thông như sau:
Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông
Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Luật thương mại, đại lý dịch vụ viễn thông còn có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông tại địa điểm đó theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông;
2. Thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này;
3. Từ chối cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật này hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin;
5. Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông hướng dẫn, cung cấp thông tin về dịch vụ viễn thông và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông đó;
6. Thực hiện thời gian cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định của chính quyền địa phương;
7. Cung cấp dịch vụ viễn thông theo chất lượng và giá cước trong hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông.
Như vậy, đại lý dịch dịch vụ viễn thông sẽ có một số quyền và nghĩa vụ như thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối tại địa điểm được sử dụng để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ; thực hiện việc cung cấp, bán lại dịch vụ viễn thông theo quy định pháp luật;...và một số quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luât nêu trên.
Bên canh những quyền và nghĩa vụ thì đại lý dịch vụ viễn thông cũng cần có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối của mình và tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng theo quy định tại Điều 5 Luật Viễn thông 2009:
Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin
1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông không được gây hại đến môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội khác. Tổ chức, cá nhân trong các hoạt động của mình không được gây nhiễu có hại, làm hư hỏng thiết bị công trình, mạng viễn thông, gây hại đến hoạt động của cơ sở hạ tầng viễn thông.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông công cộng, chủ mạng viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối của mình và tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.