Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập những loại hình doanh nghiệp nào theo quy định?
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập những loại hình doanh nghiệp nào theo quy định?
Căn cứ tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 về doanh nghiệp tư nhân:
Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập những loại hình doanh nghiệp nào theo quy định? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn thành lập công ty hợp danh nhưng vẫn thực hiện thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP vi phạm về thành lập doanh nghiệp
Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
b) Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn thành lập công ty hợp danh nhưng vẫn thực hiện thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đồng thời, buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.
Việc quản lý doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Việc quản lý doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.