Doanh nghiệp sản xuất mực in có dưới 300 người lao động thì cần bao nhiều người làm công tác an toàn vệ sinh lao động?
- Doanh nghiệp sản xuất mực in có dưới 300 người lao động thì cần bao nhiêu người làm công tác an toàn vệ sinh lao động?
- Người làm công tác an toàn vệ sinh lao động chế độ bán chuyên trách tại doanh nghiệp cần có trình độ đại học hay không?
- Người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp phát hiện ra máy móc không đảm bảo an toàn có quyền không sử dụng máy đó nữa không?
Doanh nghiệp sản xuất mực in có dưới 300 người lao động thì cần bao nhiêu người làm công tác an toàn vệ sinh lao động?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
"Điều 72. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
[...]"
Tại Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP có quy định chi tiết về việc tổ chức bộ phận an toàn vệ sinh lao động cho doanh nghiệp như sau:
"Điều 36. Tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động
Việc tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo Khoản 1 Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động được quy định như sau:
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 50 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 02 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 03 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
2. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề quy định tại Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 300 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sử dụng trên 1.000 người lao động, phải thành lập phòng an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí ít nhất 2 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách."
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, công ty bạn hiện đang kinh doanh ngành nghề sản xuất mực in với số lượng người lao động là dưới 300 người thì cần bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách.
An toàn vệ sinh lao động (Hình từ Internet)
Người làm công tác an toàn vệ sinh lao động chế độ bán chuyên trách tại doanh nghiệp cần có trình độ đại học hay không?
Căn cứ khoản 4 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
"4. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng một trong các Điều kiện sau đây:
a) Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật;
b) Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở;
c) Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở."
Như vậy, trường hợp người làm công tác an toàn vệ sinh lao động theo chế độ bán chuyên trách tại doanh nghiệp theo học chuyên ngành khối kỹ thuật thì cần có trình độ đại học.
Trường hợp học các chuyên ngành khối kỹ thuật thì chỉ cần có trình độ cao đẳng; học các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật thì cần có trình độ trung cấp; đồng thời trong 02 trường hợp này người làm công tác an toàn vệ sinh lao động còn cần đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm làm việc.
Người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp phát hiện ra máy móc không đảm bảo an toàn có quyền không sử dụng máy đó nữa không?
Theo khoản 3 Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
"3. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có quyền sau đây:
a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;
b) Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng;
c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật."
Như vậy, một trong những quyền của người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp là có thể đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị ki nhận thấy máy móc, thiết bị đó không đảm bảo an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.