Doanh nghiệp mới thành lập có bắt buộc mở tài khoản thanh toán sau khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp?
Doanh nghiệp mới thành lập có bắt buộc mở tài khoản thanh toán sau khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp?
Hiện nay không có bất kỳ quy định pháp luật nào bắt buộc doanh nghiệp mới thành lập phải mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp của mình sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng tài khoản thanh toán đem lại nhiều thuận tiện, dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện và giám sát các giao dịch với đối tác kinh doanh, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước (ví dụ trích nộp tiền đóng BHXH cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp,...).
Do đó, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới thành lập liên hệ các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình.
Hồ sơ, trình tự mở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp sẽ thực hiện theo quy định và hướng dẫn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, hồ sơ mở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp mới thành lập phải bao gồm tối thiểu các giấy tờ được căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN) như sau:
Hồ sơ mở tài khoản thanh toán
...
2. Đối với tài khoản thanh toán của tổ chức, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định và hướng dẫn khách hàng các loại giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán nhưng phải bao gồm tối thiểu các giấy tờ sau:
a) Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
b) Các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp: Quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
c) Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp kèm giấy tờ tùy thân của những người đó;
d) Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán hoặc hợp đồng thuê dịch vụ kế toán của tổ chức mở tài khoản thanh toán (nếu có) kèm giấy tờ tùy thân của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán.
...
Doanh nghiệp mới thành lập có bắt buộc mở tài khoản thanh toán sau khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp? (Hình từ Internet)
Mẫu giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp mới thành lập phải gồm những nội dung nào?
Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán được căn cứ theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN) như sau:
Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán
...
2. Mẫu giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán của tổ chức do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định nhưng phải bao gồm tối thiểu những nội dung sau:
a) Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; mã số thuế (nếu có);
b) Thông tin về người đại điện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
c) Thông tin về kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
...
Theo đó, mẫu giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp mới thành lập do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định nhưng phải bao gồm tối thiểu những nội dung sau:
- Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; mã số thuế (nếu có);
- Thông tin về người đại điện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán:
- Thông tin về kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán;
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện gì?
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Lưu ý: Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.