Doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ nguyên tắc kế toán như thế nào?
- Doanh nghiệp để được kinh doanh bất động sản thì phải đáp ứng các điều kiện nào?
- Doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ nguyên tắc kế toán như thế nào?
- Nhà nước có những chính sách nào đối với đầu tư kinh doanh bất động sản?
Doanh nghiệp để được kinh doanh bất động sản thì phải đáp ứng các điều kiện nào?
Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản:
Theo đó, doanh nghiệp để được kinh doanh bất động sản thì phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Doanh nghiệp phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản;
- Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản) các thông tin về doanh nghiệp (bao gồm tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật), thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có), thông tin về số lượng, loại sản phẩm bất động sản được kinh doanh, số lượng, loại sản phẩm bất động sản đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh.
Đối với các thông tin đã công khai quy định tại điểm này mà sau đó có thay đổi thì phải được cập nhật kịp thời ngay sau khi có thay đổi;
- Chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Lưu ý:
Đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư đó phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
Khi thực hiện kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP.
Việc xác định vốn chủ sở hữu quy định tại khoản này được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp đang hoạt động (được thực hiện trong năm hoặc năm trước liền kề); trường hợp là doanh nghiệp mới thành lập thì xác định vốn chủ sở hữu theo vốn điều lệ thực tế đã góp theo quy định của pháp luật.
Tải về các quy định hiện hành về kinh doanh bất động sản Tải
Doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ nguyên tắc kế toán như thế nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ nguyên tắc kế toán như thế nào?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 89 Thông tư 200/2014/TT-BTC về Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán:
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, khi chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã phát sinh doanh thu nhượng bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán.
Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán.
Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điểu chỉnh giảm giá vốn hàng bán của kỳ thực hiện quyết toán.
Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.
- Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
Nhà nước có những chính sách nào đối với đầu tư kinh doanh bất động sản?
Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cụ thể như sau:
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và từng địa bàn.
- Nhà nước khuyến khích và có chính sách miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án được ưu đãi đầu tư.
- Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào đối với dự án được ưu đãi đầu tư.
- Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án dịch vụ công ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
- Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.