Độ tuổi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021- 2026 được quy định thế nào?

Tôi muốn hỏi độ tuổi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021- 2026 được quy định thế nào? Tôi 23 tuổi, là công dân gương mẫu. Tôi thắc mắc bao nhiêu tuổi tôi được ứng cử đại biểu Quốc hội? Mong được giải đáp.

Tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định thế nào?

Theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 thì tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội bao gồm những tiêu chuẩn sau:

"1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội."

Theo đó, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như trên.

Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội (Hình từ Internet)

Độ tuổi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021- 2026 được quy định ra sao?

Theo Điều 27 Hiến pháp 2013 thì độ tuổi bầu cử và ứng cử được quy định như sau:

"Điều 27.
Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định."

Như vậy, công dân từ đủ hai mươi mốt tuổi trở lên thì có quyền ứng cử vào Quốc hội. Do đó, bạn 23 tuổi và có đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được đề ra thì có thể ứng cử.

Các quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội được quy định thế nào?

Theo Điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì đại biểu Quốc hội có các quyền miễn trừ như sau:

"Điều 37. Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội
1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý."

Theo đó, đại biểu Quốc hội có các quyền miễn trừ như trên.

Nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội bao nhiêu năm?

Căn cứ Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định nhiệm kỳ của Quốc hội như sau:

"Điều 2. Nhiệm kỳ Quốc hội
1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.
3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh."

Bên cạnh đó, theo Điều 25 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội như sau:

"Điều 25. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội
Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau."

Như vậy, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội nhiệm kỳ mỗi khóa là 05 năm. Đồng thời, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung bắt đầu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

11,654 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào