Đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị bị phạt bao nhiêu tiền? Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện về việc phát hiện và xử lý ra sao?
Đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa
...
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;
b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;
c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
d) Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;
đ) Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.
Đối chiếu với quy định trên thì có thể thấy rằng hành vi đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị là một hành vi vi phạm pháp luật tại khoản 2 Điều 54 nói trên. Bởi lẽ, không được xây bục, bệ quanh gốc cây và đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây.
Như vậy, đối với hành vi đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi trồng cây xanh đô thị phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
* Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức ( quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị bị phạt bao nhiêu tiền? Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện về việc phát hiện và xử lý ra sao? (Hình từ Internet)
Các hành vi bị cấm trong hoạt động đối với cây xanh tại đô thị?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP có quy định về các hành vi bị cấm như sau:
Các hành vi bị cấm
1. Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định.
3. Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.
4. Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.
5. Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép.
6. Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.
7. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị.
8. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy rằng có 8 hành vi bị cấm trong hoạt động đối với cây xanh tại đô thị trong đó cũng có nhắc đến việc cấm đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây và xây bục, bệ quanh gốc cây.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện về việc phát hiện và xử lý hành vi đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị như thế nào?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 64/2010/NĐ-CP và Điều 22 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Thống nhất quản lý cây xanh các đô thị trên địa bàn tỉnh. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.
- Ban hành hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.
- Căn cứ vào quy định, hướng dẫn của Chính phủ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương:
+ Tổ chức chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch hàng năm, 5 năm về đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị;
+ Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính và sử dụng đất để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý cây xanh đô thị, đầu tư và phát triển vườn ươm, công viên, vườn hoa;
+ Quy định về quản lý và sử dụng nguồn lợi thu được từ việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng có nguồn lợi thu được.
- Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Tổ chức thực hiện quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Ban hành các quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này.
- Ban hành danh mục cây bảo tồn, cây trồng hạn chế và cây cấm trồng trên địa bàn được giao quản lý theo phân cấp.
- Lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh trên địa bàn được giao quản lý theo phân cấp.
- Tổ chức chỉ đạo việc thống kê hàng năm và lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị trên địa bàn được giao quản lý và báo cáo Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
Như vậy, khi có hành vi đổ bê tông vào gốc cây xanh trong đô thị trên địa bàn của mình quản lý thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp điều tra giải quyết với các đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh trên địa bàn được giao quản lý đồng thời tìm ra hướng giải quyết tránh tình trạng gây chết cây hàng loạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.