Định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141? Ưu điểm và nhược điểm của định hướng?
Định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141?
Căn cứ theo tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần II Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 có quy định về việc định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ như sau:
Theo đó, định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ được quy định như sau:
(1) Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
(2) Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).
(3) Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
(4) Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).
(5) Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
(6) Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động Ban này); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
(7) Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).
(8) Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
(9) Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Định hướng sắp xếp và hợp nhất 14 Bộ cơ quan ngang Bộ theo Kế hoạch 141? Ưu điểm và nhược điểm của định hướng? (Hình từ Internet)
Ưu điểm và nhược điểm của định hướng sắp xếp và hợp nhất tổ chức bộ mấy của Chính phủ?
Căn cứ theo Phần III Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 hướng dẫn theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn như sau:
- Có 13 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ (giảm 05 Bộ).
- Có 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ).
- Tổ chức bên trong: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay. Phương án này có ưu điểm, hạn chế và tác động như sau:
(1) Ưu điểm của định hướng sắp xếp và hợp nhất tổ chức bộ mấy của Chính phủ:
- Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 74-KL/TW, Kết luận số 50, 62-KL/TW, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
- Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.
(2) Hạn chế của định hướng sắp xếp và hợp nhất tổ chức bộ mấy của Chính phủ:
- Do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.
- Thực hiện phương án sắp xếp này thì quy mô, phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến năm 2030 như thế nào?
Căn cứ theo Mục 2 Phần 2 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 có hướng dẫn như sau:
Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến năm 2030 được hướng dẫn như sau:
- Từ năm 2021 đến năm 2030 sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như sau:
(1) Hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; giảm biên chế;
(2) Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị;
(3) Tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
(4) Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
(5) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030:
Thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.