Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là gì? Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục là gì?
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là gì?
- Có những hình thức đầu tư nào?
- Thành lập cơ sở giáo dục có phải ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài không?
- Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là gì?
Theo Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì điều kiện tiếp cận thị trường được quy định như sau:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.
- Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Có những hình thức đầu tư nào?
Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 thì các hình thức đầu tư bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Tiếp cận thị trường
Thành lập cơ sở giáo dục có phải ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài không?
Theo Điều 9 Luật Đầu tư 2020 ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
+ Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
+ Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
+ Hình thức đầu tư;
+ Phạm vi hoạt động đầu tư;
+ Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
+ Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo Mục B Phụ lục 1 kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì dịch vụ giáo dục là ngành tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, để đầu tư thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Theo Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để được đầu tư thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
- Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
- Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.