Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục được quy định như thế nào? Pháp luật quy định về nhà đầu tư thực hiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục như thế nào?
Pháp luật quy định điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục như thế nào?
Căn cứ tại Điều 49 Luật Giáo dục 2019 quy định về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục như sau:
- Nhà trường được thành lập khi có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch.
- Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
- Nhà trường được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục; địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động;
+ Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;
+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;
+ Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
- Trong thời hạn quy định, nếu nhà trường có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; khi hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này thì bị thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.
Điều kiện thành lập nhà trường
Pháp luật quy định về điều lệ, quy chế và hoạt động của cơ sở giáo dục như thế nào?
Căn cứ tại Điều 53 Luật Giáo dục 2019 quy định về điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục như sau:
- Điều lệ nhà trường được áp dụng chung cho các loại hình nhà trường ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường;
+ Tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường;
+ Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo;
+ Nhiệm vụ và quyền của người học;
+ Tổ chức và quản lý nhà trường;
+ Tài chính và tài sản của nhà trường;
+ Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
- Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục cụ thể hóa các nội dung của điều lệ nhà trường để áp dụng cho từng loại hình cơ sở giáo dục.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành điều lệ nhà trường, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Pháp luật quy định về nhà đầu tư thực hiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục như thế nào?
Căn cứ tại Điều 54 Luật Giáo dục 2019 quy định về nhà đầu tư như sau:
- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bao gồm:
+ Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
+ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài.
- Quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư được quy định như sau:
+ Thông qua kế hoạch phát triển nhà trường theo quy định của pháp luật do hội đồng trường đề xuất;
+ Quyết định tổng vốn góp của nhà đầu tư, dự án đầu tư phát triển trường, việc huy động vốn đầu tư (nếu có); phương án sử dụng phần chênh lệch thu, chi hằng năm hoặc phương án xử lý lỗ của nhà trường; thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
+ Bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên của hội đồng trường;
+ Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động của hội đồng trường;
+ Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chế tài chính; thông qua nội dung liên quan đến tài chính, tài sản trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
+ Góp vốn đầy đủ, đúng hạn, giám sát việc góp vốn vào nhà trường theo đề án thành lập;
+ Xem xét, xử lý vi phạm gây thiệt hại của hội đồng trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
+ Quyết định tổ chức lại, giải thể nhà trường theo quy định của pháp luật;
+ Công khai danh sách tổ chức và cá nhân góp vốn đầu tư trên trang thông tin điện tử của nhà trường;
+ Nhà đầu tư thành lập trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được vinh danh về công lao góp vốn đầu tư thành lập, xây dựng và phát triển trường.
- Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục được lựa chọn một trong các phương thức sau đây:
+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để tổ chức kinh tế thành lập cơ sở giáo dục tư thục theo quy định của Luật này;
+ Trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục tư thục theo quy định của Luật này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.