Điều kiện đối với người nước ngoài muốn học bằng lái xe tại Việt Nam ra sao? Người Thái Lan muốn đổi sang bằng lái xe của Việt Nam thì làm thế nào?
Điều kiện đối với người nước ngoài muốn học bằng lái xe tại Việt Nam ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, quy định như sau:
"Điều 7. Điều kiện đối với người học lái xe
1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
..."
Người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam mà đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định thì đủ điều kiện học lái xe theo quy định.
Bằng lái xe
Người Thái Lan muốn đổi sang bằng lái xe của Việt Nam thì làm thế nào?
Căn cứ khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định như sau:
"Điều 33. Sử dụng và quản lý giấy phép lái xe
...
8. Người có giấy phép lái xe hạng B1 muốn hành nghề lái xe và người có nhu cầu nâng hạng giấy phép lái xe phải dự khóa đào tạo và sát hạch để được cấp giấy phép lái xe mới.
9. Người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động không được lái loại xe ô tô số cơ khí (số sàn); nếu có nhu cầu lái xe ô tô số cơ khí, phải học bổ sung và sát hạch nội dung thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe hạng B1.
10. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:
a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;
b) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
..."
Theo đó, người nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thì đầu tiên sẽ căn cứ vào Điều ước quốc tế là thành viên để xác định; trường hợp không có Điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
Trường hợp đồng nghiệp của bạn là người Thái Lan sang Việt Nam làm việc và đã có bằng lái xe ô tô do Thái Lan cấp. Thái Lan là một trong các nước tham gia Công ước viên 1986 về Giao thông đường bộ nên nếu đồng nghiệp của bạn đã được cấp bằng lái xe quốc tế do Thái Lan cấp thì có thể sử dụng bằng lái xe quốc tế đó tại Việt Nam mà không cần đổi sang bằng lái xe của Việt Nam.
Do đó,nếu đồng nghiệp bạn có bằng lái xe quốc tế thì khi người này sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam muốn điều khiển xe ô tô chỉ cần mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia do Thái Lan cấp phù hợp với hạng xe điều khiển. Nếu đồng nghiệp bạn chỉ có bằng lái xe quốc gia thì cần làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng ở Việt Nam để sử dụng.
Thủ tục đổi bằng lái xe nước ngoài sang bằng lái Việt Nam như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy định như sau:
"Điều 41. Thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài
1. Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đăng ký cư trú, lưu trú, tạm trú hoặc định cư lâu dài). Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe (đối với người Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này, đối với người nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan Công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe; đối với người Việt Nam xuất trình hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trừ các trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật;
c) Bản sao hộ chiếu (phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam), giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh thư ngoại giao hoặc công vụ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp hoặc bản sao thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam đối với người nước ngoài; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập Cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác minh.
Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
2. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe do cơ quan đổi giấy phép lái xe giao cho người lái xe quản lý là hồ sơ gốc, gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này và giấy phép lái xe nước ngoài.
3. Hồ sơ đổi giấy phép lái xe của người nước ngoài không định cư lâu dài tại Việt Nam do cơ quan đổi giấy phép lái xe lưu trữ 01 năm, gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này."
Theo đó, bạn thực hiện hồ sợ đổi bằng lái sang của Việt Nam theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.