Điều kiện để sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo là gì? Hồ sơ, thủ tục thực hiện sáp nhập, chia tách trường mẫu giáo là gì?
Điều kiện để sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo là gì?
Điều kiện để sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo là gì? (Hình từ Internet)
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ như sau:
- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương;
- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên;
- Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên hiện nay quy định này đã bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2018 và không có quy định thay thế.
Như vậy hiện nay đã không còn quy định về điều kiện để thực hiện sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Hồ sơ và trình tự thực hiện sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về hồ sơ và thủ tục thực hiện sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo như sau:
Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, hồ sơ gồm:
- Đề án sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, trong đó có phương án để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên;
- Tờ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện sáp nhập, chia, tách trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trong thời hạn 10 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định sáp nhập, chia, tách; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trường mẫu giáo không triển khai hoạt động giáo dục trong thời gian bao lâu thì sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục?
Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về các trường hợp trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục như sau:
Đình chỉ hoạt động giáo dục trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
1. Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;
đ) Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy trường hợp trường mẫu giáo không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Về trình tự thực hiện đình chỉ hoạt động giáo dục trường mẫu giáo được quy định tại khoản 3 Điều này như sau:
Đình chỉ hoạt động giáo dục trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
...
3. Trình tự thực hiện:
a) Khi phát hiện trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ vi phạm một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra đánh giá tình trạng thực tế và thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về hành vi vi phạm;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục;
c) Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
d) Sau thời hạn đình chỉ, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cho phép hoạt động giáo dục trở lại và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu chưa cho phép hoạt động giáo dục trở lại thì có văn bản thông báo cho trường biết rõ lý do và hướng giải quyết;
đ) Hồ sơ đề nghị hoạt động giáo dục trở lại gồm:
- Tờ trình cho phép hoạt động giáo dục trở lại;
- Quyết định thành lập đoàn kiểm tra;
- Biên bản kiểm tra.
e) Trình tự cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục trở lại được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.