Điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo quy định?
- Điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế?
- Doanh nghiệp có ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế trong trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế không?
- Doanh nghiệp thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử trong trường hợp nào?
Điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế?
Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là gì?
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP giải thích một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:
a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
...
Theo đó, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.
Điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế?
Căn cứ quy định tại Điều 18 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về lập hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế như sau:
Lập hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sau khi nhận được thông báo chấp nhận của cơ quan thuế.
2. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng phần mềm để lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số trên hóa đơn điện tử và gửi cho người mua bằng phương thức điện tử theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Theo đó, điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là phải có thông báo chấp nhận về việc sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
Lưu ý: Doanh nghiệp sử dụng phần mềm để lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số trên hóa đơn điện tử và gửi cho người mua bằng phương thức điện tử theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế theo quy định? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế trong trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế không?
Việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được quy định tại Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Ngừng sử dụng hóa đơn điện tử
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:
a) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
b) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp cơ quan thuế xác minh và thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
c) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng kinh doanh;
d) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện cưỡng chế nợ thuế;
đ) Trường hợp có hành vi sử dụng hóa đơn điện tử để bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
e) Trường hợp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;
...
Theo đó, trong trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế, doanh nghiệp phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, kể cả hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử trong trường hợp nào?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử sau khi thông báo với cơ quan thuế về việc tiếp tục kinh doanh hoặc được cơ quan thuế khôi phục mã số thuế cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn hoặc khi có thông báo của cơ quan chức năng.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh cần có hóa đơn điện tử giao cho người mua để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.