Điều kiện cấp CO form E giáp lưng theo đề nghị của nhà xuất khẩu? Thủ tục kiểm tra hàng hóa được cấp CO form E giáp lưng?
Điều kiện cấp CO form E giáp lưng theo đề nghị của nhà xuất khẩu?
CO form E giáp lưng hay CO mẫu E giáp lưng - Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E giáp lưng là CO do Nước thành viên xuất khẩu trung gian cấp dựa trên CO mẫu E (CO form E) gốc của Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên nhằm chứng minh xuất xứ của hàng hóa có liên quan (khoản 14 Điều 3 Thông tư 12/2019/TT-BCT).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 12/2019/TT-BCT về CO form E giáp lưng - CO mẫu E giáp lưng - Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E giáp lưng:
Theo đó, cơ quan, tổ chức cấp CO Nước thành viên trung gian có thể cấp CO form E giáp lưng theo đề nghị của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đang được vận chuyển qua lãnh thổ của Nước thành viên đó, với điều kiện:
(1) Nhà nhập khẩu phải đồng thời là nhà xuất khẩu nộp đơn đề nghị cấp CO form E giáp lưng tại Nước thành viên trung gian;
(2) Người nộp đơn đề nghị cấp CO form E giáp lưng xuất trình bản gốc CO form E còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên cấp;
(3) CO form E giáp lưng bao gồm một số thông tin như ngày cấp, số tham chiếu và tên cơ quan, tổ chức cấp CO form E của Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên.
Trị giá hóa đơn là trị giá hóa đơn của hàng hóa xuất khẩu từ Nước thành viên trung gian;
(4) Tổng số lượng hàng hóa ghi trên CO form E giáp lưng không vượt quá tổng số lượng hàng hóa ghi trên CO form E do Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên cấp.
Lưu ý: Ngày hết hạn hiệu lực của CO form E giáp lưng là ngày hết hạn hiệu lực của CO form E do Nước thành viên xuất khẩu đầu tiên cấp.
Điều kiện cấp CO form E giáp lưng theo đề nghị của nhà xuất khẩu? (Hình từ Internet)
Thủ tục kiểm tra hàng hóa được cấp CO form E giáp lưng?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Thông tư 12/2019/TT-BCT thì thủ tục kiểm tra hàng hóa được cấp CO form E giáp lưng thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư 12/2019/TT-BCT, cụ thể như sau:
Tại Điều 28 Thông tư 12/2019/TT-BCT quy định: 1. Cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hay tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa có liên quan hoặc một vài phần của hàng hóa đó. a) Đề nghị kiểm tra phải làm bằng văn bản, gửi kèm bản sao của CO mẫu E có liên quan và nêu rõ lý do cũng như bất cứ thông tin bổ sung nào cho thấy các chi tiết trên CO này có thể không chính xác, trừ trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên; b) Cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể áp dụng các thủ tục hành chính cần thiết bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu đặt cọc một số tiền tương ứng và cho phép thông quan hàng hóa, với điều kiện hàng hóa này không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận xuất xứ; c) Cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu phản hồi ngay về việc nhận được đề nghị kiểm tra và có ý kiến trả lời không muộn hơn 90 ngày sau ngày nhận được đề nghị kiểm tra. Trường hợp không trả lời được trong thời hạn này, cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu có thể đề nghị bằng văn bản về việc gia hạn thêm 90 ngày nữa với điều kiện việc đề nghị gia hạn được thực hiện trong thời hạn 90 ngày đầu tiên. 2. Trường hợp cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu không đồng ý với kết quả kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này, Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị kiểm tra thực tế tại Nước thành viên xuất khẩu. a) Trước khi tiến hành kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu nhằm mục đích thống nhất chung về điều kiện và phương thức kiểm tra; b) Việc kiểm tra thực tế được tiến hành không muộn hơn 60 ngày sau ngày nhận được thông báo của Nước thành viên nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản này. 3. Quy trình kiểm tra, bao gồm kiểm tra sau và kiểm tra thực tế được tiến hành và thông báo kết quả cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu trong thời hạn tối đa 180 ngày sau khi nhận được đề nghị kiểm tra. Trường hợp đề nghị gia hạn thời gian trả lời theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, quy trình kiểm tra, bao gồm kiểm tra sau và kiểm tra thực tế được tiến hành và thông báo kết quả cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp CO của Nước thành viên xuất khẩu, được gia hạn từ 180 ngày đến tối đa 270 ngày sau khi nhận được đề nghị kiểm tra. Trong khi chờ kết quả kiểm tra thực tế, việc tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. 4. Tất cả thông tin trao đổi liên quan đến đề nghị kiểm tra cần được thực hiện thông qua đầu mối kiểm tra xác minh của các Nước thành viên. 5. Nước thành viên nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan trong trường hợp Nước thành viên xuất khẩu không đáp ứng đề nghị kiểm tra của cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu hoặc vi phạm quy trình kiểm tra theo thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này. 6. Mỗi Nước thành viên phải đảm bảo bảo mật thông tin và chứng từ liên quan đến việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa do Nước thành viên khác cung cấp. Các thông tin, chứng từ này không được phép sử dụng cho mục đích khác, kể cả trong thủ tục tố tụng về hành chính, hình sự mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Nước thành viên cung cấp thông tin đó. |
Thông tin liên quan đến hiệu lực của CO form E có được cung cấp theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu không?
Căn cứ tại Điều 29 Thông tư 12/2019/TT-BCT về lưu trữ hồ sơ:
Lưu trữ hồ sơ
1. Hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu E và tất cả chứng từ liên quan được lưu tại cơ quan, tổ chức cấp C/O không ít hơn 3 năm kể từ ngày cấp.
2. Thông tin liên quan đến hiệu lực của C/O mẫu E được cung cấp theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu.
3. Bất kỳ thông tin trao đổi giữa các Nước thành viên liên quan phải được giữ bí mật và chỉ được sử dụng cho việc xác nhận tính hợp lệ của C/O mẫu E.
4. Để phục vụ việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 28 Thông tư này, nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu đề nghị cấp C/O mẫu E, theo quy định và pháp luật Nước thành viên xuất khẩu, phải lưu trữ chứng từ đề nghị cấp C/O không ít hơn 3 năm kể từ ngày cấp C/O mẫu E.
Như vậy, thông tin liên quan đến hiệu lực của CO form E được cung cấp theo yêu cầu của Nước thành viên nhập khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.