Điều chỉnh lại mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội đã chốt cho người lao động như thế nào?
Điều chỉnh lại mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội đã chốt cho người lao động như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
"Điều 4. Đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định mà mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tiền lương bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2015 trở đi.
2. Trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam."
Theo quy định trên, mức lương tối đa làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 20 lần mức lương tối thiểu vùng nơi mà người lao động đó đang làm việc. Do đó, trong trường hợp này, cần dựa vào mức lương tối thiểu vùng nơi mà nhân viên đó đang làm việc để tính mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa. Nếu mức lương của nhân viên công ty bạn chưa vượt quá 20 mức lương tối thiểu tối đa thì công ty bạn cần phải điều chỉnh mức đóng BHTN trên sổ BHXH cho người lao động này.
Về hồ sơ điều chỉnh lại nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội đã chốt:
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
a) Người lao động
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Hợp đồng lao động đã ký kết với công ty.
b) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Điều chỉnh lại mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?
Tại Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.
- Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Đối tượng nào bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể:
- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.