Dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải gồm những gì? Các dịch vụ này được cung ứng theo phương thức gì?
Dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 63/2019/TT-BTC quy định dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định tại Thông tư này bao gồm:
- Vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập.
- Vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải).
- Khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu).
- Sửa chữa, cải tạo tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải công cộng được giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý.
- Nạo vét duy tu luồng hàng hải để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm công tác nạo vét đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải).
- Nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.
Dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải (Hình từ Internet)
Các dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được cung ứng theo phương thức gì?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 63/2019/TT-BTC thì các dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được cung ứng theo phương thức sau:
Phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải
1. Phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải quy định tại khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 3 Thông tư này được thực hiện theo phương thức đặt hàng.
2. Phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này được thực hiện theo phương thức đấu thầu.
3. Phương thức, trình tự, thủ tục cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Theo đó:
(1) Phương thức đặt hàng được áp dụng đối với các dịch vụ sau:
- Vận hành hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập.
- Vận hành, bảo trì hệ thống luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải).
- Khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải đối với luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu).
- Nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.
(2) Phương thức đấu thầu được áp dụng cho dịch vụ sửa chữa, cải tạo tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải là đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng và kè bảo vệ bờ luồng hàng hải công cộng được giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý.
(3) Đối với dịch vụ nạo vét duy tu luồng hàng hải để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không bao gồm công tác nạo vét đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải) thì phương thức, trình tự, thủ tục cung ứng dịch vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và Nghị định 159/2018/NĐ-CP.
Sử dụng nguồn kinh phí nào để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 63/2019/TT-BTC có nêu như sau:
Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải
Căn cứ nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải được bố trí từ ngân sách trung ương hàng năm.
Theo đó thì nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải sẽ được bố trí từ ngân sách trung ương hàng năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.