Dịch vụ gia công cơ khí có được giảm thuế GTGT xuống 8% không? Điều kiện để giảm thuế GTGT xuống 8%?
- Dịch vụ gia công cơ khí có được giảm thuế GTGT xuống 8% không? Điều kiện để giảm thuế GTGT xuống 8%?
- Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế đối với dịch vụ gia công cơ khí là bao nhiêu?
- Cơ sở cung ứng dịch vụ gia công cơ khí nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ra sao?
Dịch vụ gia công cơ khí có được giảm thuế GTGT xuống 8% không? Điều kiện để giảm thuế GTGT xuống 8%?
Căn cứ theo Công văn 55522/CTHN-TTHT năm 2023 hướng dẫn về chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP như sau:
"Căn cứ Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội:
.....
Căn cứ Phụ lục I, II, III Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT tăng ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ.
Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, cung ứng dịch vụ gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại thuộc mã ngành 2592 theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ thì được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP kể từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023."
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì dịch vụ gia công cơ khí có thể được giảm thuế GTGT xuống 8% theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP kể từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023 nếu như:
Dịch vụ gia công cơ khí đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Dịch vụ gia công cơ khí có được giảm thuế GTGT xuống 8% không? Điều kiện để giảm thuế GTGT xuống 8%? (Hình từ Internet)
Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế đối với dịch vụ gia công cơ khí là bao nhiêu?
Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế đối với dịch vụ gia công cơ khí được xác định theo khoản 1 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) như sau:
Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;
b) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ đó.
Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ giá tính thuế giá trị gia tăng xác định theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật này;
c) Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật này.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế đối với dịch vụ gia công cơ khí = (Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ).
Cơ sở cung ứng dịch vụ gia công cơ khí nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ra sao?
Cơ sở cung ứng dịch vụ gia công cơ khí nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) như sau:
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
a) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;
b) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra;
c) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ;
d) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ;
đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.