Địa điểm làm việc của người lao động là nơi nào? Có được sửa đổi địa điểm làm việc bằng cách lập phụ lục hợp đồng lao động hay không?
Địa điểm làm việc của người lao động là nơi nào?
Theo Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì một trong những nội dung bắt buộc phải có hợp đồng lao động đó là công việc và địa điểm làm việc.
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH địa điểm làm việc được quy định như sau:
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
...
3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:
a) Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;
b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, địa điểm làm việc của người lao động là địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận.
Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận về địa điểm làm việc, trường hợp do tính chất công việc phải làm ở nhiều địa điểm khác nhau thì các bên cũng cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động và ghi đầy đủ các địa chỉ đó.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thực hiện công việc theo hợp đồng lao động
Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, nếu có thỏa thuận, các bên có thể thực hiện công việc tại địa điểm khác so với hợp đồng lao động.
Địa điểm làm việc của người lao động là nơi nào? Có được sửa đổi địa điểm làm việc bằng cách lập phụ lục hợp đồng lao động hay không? (Hình từ Internet).
Có được sửa đổi địa điểm làm việc bằng cách lập phụ lục hợp đồng lao động hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Phụ lục hợp đồng lao động
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì phụ lục hợp đồng được sửa đổi một số điều khoản của hợp đồng, không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Do đó, có sửa đổi địa điểm làm việc bằng cách lập phụ lục hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp ép người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm đã thỏa thuận tại hợp đồng lao động có bị phạt không?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;
b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc đúng với hợp đồng lao động đã giao kết khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Đồng thời, căn cứ Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp tự ý bố trí cho người lao động làm ở địa điểm khác với nơi đã thỏa thuận thì có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019).
Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.