Đi máy bay trong nước có cần hộ chiếu không? Đi máy bay trong nước cần giấy tờ nào theo quy định hiện hành?
Đi máy bay trong nước có cần hộ chiếu không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 có định nghĩa về hộ chiếu như sau:
Giải thích từ ngữ
…
3. Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
…
Như vậy, hộ chiếu được sử dụng chủ yếu để xuất cảnh, nhập cảnh, do đó việc đi máy bay trong nước không bao gồm hai hoạt động trên nên không bắt buộc phải có hộ chiếu.
Ngoài ra, hộ chiếu khi bay trong nước vẫn được dùng để chứng minh quốc tịch và nhân thân nhưng không phải giấy tờ bắt buộc như bay quốc tế.
Đi máy bay trong nước có cần hộ chiếu không? Đi máy bay trong nước cần giấy tờ nào theo quy định hiện hành? (Hình từ internet).
Đi máy bay trong nước cần giấy tờ nào theo quy định hiện hành?
Căn cứ quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 42/2023/TT-BGTVT sửa đổi Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT có quy định giấy tờ nhân thân khi làm thủ tục bay nội địa cụ thể như sau:
Đối với hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên phải xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:
- Hành khách mang quốc tịch nước ngoài:
+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và giấy tờ liên quan cư trú tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn thị thực;
+ Chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế;
+ Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
+ Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;
+ Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam;
+ Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách.
Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận;
- Hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;
+ Giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân;
+ Thẻ Đại biểu Quốc hội;
+ Thẻ Đảng viên;
+ Thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
+ Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;
+ Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam;
+ Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách;
+ Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận;
+ Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.
Trường hợp hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi.
Đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân sau:
- Giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; trích lục giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; trường hợp dưới 02 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh; Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách; thông tin nhân thân của hành khách trong Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đi cùng chuyến bay.
- Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận).
- Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận (giấy xác nhận có các thông tin thể hiện các nội dung sau: cơ quan xác nhận, người xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi thường trú của người được xác nhận; lý do xác nhận. Giấy xác nhận có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận).
- Thẻ Căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu (hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ).
Ngoài ra, đối với hành khách là phạm nhân, bị can, người đang bị di lý, dẫn độ, trục xuất khi làm thủ tục đi tàu bay chỉ cần có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải; hành khách là người áp giải xuất trình các loại giấy tờ tương tự như hành khách đủ 14 tuổi trở lên.
Giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi máy bay phải đảm bảo các điều kiện gì?
Căn cứ vào khoản 5 Mục I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 42/2023/TT-BGTVT sửa đổi Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về điều kiện cần đảm bảo đối với giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay như sau:
- Là bản chính và còn giá trị sử dụng; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo quy định;
- Đối với giấy khai sinh, trích lục hộ tịch; trích lục giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; giấy chứng sinh phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo quy định;
- Không chấp nhận giấy tờ không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của pháp luật, trừ giấy khai sinh, giấy chứng sinh, trích lục hộ tịch; trích lục khai sinh; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải.
- Nếu là tài khoản định danh điện tử mức độ 2, giấy khai sinh điện tử của hành khách thì phải đảm bảo khi xuất trình, tài khoản đang hoạt động bình thường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.