Di chúc được lập theo hình thức văn bản điện tử thì có được xem là di chúc hợp pháp hay không? Chia tài sản theo di chúc như thế nào?
Di chúc được lập theo hình thức văn bản điện tử thì có được xem là di chúc hợp pháp hay không?
Một di chúc được xem là di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
(1) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
(2) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có nêu là di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
Cũng theo quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015, đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì yêu cầu người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015.
Mặt khác, di chúc bằng văn bản được pháp luật quy định hiện nay chỉ bao gồm di chúc bằng văn bản có/không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng/ chứng thực chứ không có quy định về hình thức văn bản điện tử (Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, có thể thấy là pháp luật hiện nay yêu cầu di chúc phải được lập bằng văn bản giấy có công chứng hoặc có người làm chứng và người lập di chúc phải ký tên lên di chúc,...
Trường hợp ba của anh lập di chúc theo hình thức văn bản điện tử, chỉ lưu trên máy tính thì di chúc sẽ không được xem là di chúc hợp pháp vì pháp luật chưa quy định về hình thức này. Chưa thể chứng minh được đó có phải là ý chí của người đã khuất hay không.
Bên cạnh đó, di chúc được lập theo hình thức văn bản điện tử cũng khó có thể đáp ứng được một số yêu cầu đối với di chúc như:
(1) Người lập phải tự viết (đối với di chúc lập không có người làm chứng).
(2) Chữ ký của người lập di chúc: nếu lập theo hình thức văn bản điện tử thì việc ký lên văn bản là điều không thể hoặc nếu có thể sử dụng chữ ký số thì cũng khó có thể đảm bảo tính minh bạch đối với việc lập và ký tên lên di chúc vì khó có thể chứng mình và di chúc do người lập ký tên.
Di chúc được lập theo hình thức văn bản điện tử thì có được xem là di chúc hợp pháp hay không? (Hình từ Internet)
Người mất lập di chúc theo hình thức văn bản điện tử thì chia tài sản thừa kế như thế nào?
Như đã nói ở trên thì hiện nay pháp luật không có quy định về việc lập di chúc theo hình thức văn bản điện tử nên di chúc đó sẽ được xem là di chúc không hợp pháp.
Trường hợp người mất lập di chúc theo hình thức văn bản điện tử thì sẽ thực hiện chia tài sản thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm 03 hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
(1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
(2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
(3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Khi chia tài sản theo pháp luật cần lưu ý:
- Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Một bản di chúc hợp pháp cần đảm bảo những nội dung tối thiểu nào?
Nội dung di chúc được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Như vậy, một bản di chúc hợp pháp phải đảm bảo thể hiện được những nội dung sau:
(1) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
(2) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
(3) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
(4) Di sản để lại và nơi có di sản.
Ngoài những nội dung vừa nêu thì người lập di chúc có thể thêm một số nội dung, yêu cầu ràng buộc khác đối với người di sản thừa kế của mình.
Lưu ý:
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.