Để lâm tặc chặt phá 4000m2 rừng phòng hộ kiểm lâm viên có thể phải chịu bao nhiêu năm tù theo quy định hiện nay?
- Để lâm tặc chặt phá 4000m2 rừng phòng hộ kiểm lâm viên có thể phải chịu bao nhiêu năm tù?
- Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Kiểm lâm viên nhận tiền từ lâm tặc để che dấu hành vi khai thác rừng trái phép?
- Chặt phá rừng phòng hộ có diện tích 4000m2 bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào nào?
Để lâm tặc chặt phá 4000m2 rừng phòng hộ kiểm lâm viên có thể phải chịu bao nhiêu năm tù?
Việc để cho lâm tặc khai thác, chặt phá rừng bừa bãi rừng phòng hộ có diện tích 4000m2 của kiểm lâm viên gây hậu quả làm cho tài nguyên rừng bị tàn phá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng hệ sinh thái và thất thoát tài sản quốc gia.
Qua đó kiểm lâm không ngăn chặn hành vi khai thác, chặt phá rừng của lâm tặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Từ đó ta có thể thấy, tùy vào hậu quả nghiêm trọng của hành vi khai thác, chặt phá rừng mà kiểm lâm viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt khác nhau, cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.
Ngoài ra kiểm lâm viên vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời gian từ 01 đến 05 năm.
Để lâm tặc chặt phá 4000m2 rừng phòng hộ kiểm lâm viên có thể phải chịu bao nhiêu năm tù theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Kiểm lâm viên nhận tiền từ lâm tặc để che dấu hành vi khai thác rừng trái phép?
Hành vi nhận tiền để lâm tặc khai thác rừng bừa bãi của kiểm lâm viên thuộc về hành vi nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm (mức nhận hối lộ, mức thiệt hại của rừng) mà kiểm lâm viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng. Khung hình phạt cao nhất của kiểm lâm viên phạm tội nhận hối lộ có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.
Ngoài án phạt tù, kiểm lâm viên nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm và có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chặt phá rừng phòng hộ có diện tích 4000m2 bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi tại điểm a khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể như sau:
Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
…
Như vậy, đối với hành vi chặt phá rừng phòng hộ có diện tích 4000m2 thì cá nhân phạm thội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù và bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.