Để được trợ giúp pháp lý thì người là đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý cần phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
- Hồ sơ đăng ký nhận trợ giúp pháp lý gồm những tài liệu gì?
- Có thể nộp hồ sơ đăng ký nhận trợ giúp pháp lý bằng những hình thức nào?
- Trong quá trình trợ giúp pháp lý, người có yêu cầu trợ giúp có phải trả thêm chi phí nào không?
- Kinh phí để chi cho các khoản liên quan đến trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?
- Người trợ giúp pháp lý khi có hành vi yêu cầu người nhận trợ giúp phải trả thêm các loại chi phí khác có bị xử phạt không?
Hồ sơ đăng ký nhận trợ giúp pháp lý gồm những tài liệu gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì để đăng ký nhận trợ giúp pháp lý người có đủ điều kiện phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
- Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp pháp lý
Có thể nộp hồ sơ đăng ký nhận trợ giúp pháp lý bằng những hình thức nào?
Khoản 2 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về các hình thức nộp hồ sơ đăng ký nhận trợ giúp pháp lý như sau:
- Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu như đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
*Lưu ý: Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn;
- Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
- Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trong quá trình trợ giúp pháp lý, người có yêu cầu trợ giúp có phải trả thêm chi phí nào không?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
- Kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Do đó, trong quá trình nhận trợ giúp pháp lý, người có yêu cầu trợ giúp không phải trả bất cứ chi phí nào cho người cung cấp trợ giúp pháp lý.
Kinh phí để chi cho các khoản liên quan đến trợ giúp pháp lý được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý được trích từ:
- Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
- Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình.
- Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của tổ chức tự nguyện thực hiện do tổ chức đó tự bảo đảm.
Người trợ giúp pháp lý khi có hành vi yêu cầu người nhận trợ giúp phải trả thêm các loại chi phí khác có bị xử phạt không?
Hành vi của người trợ giúp pháp lý khi nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý hoặc sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 52 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó người trợ giúp pháp lý còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khi nhận, đòi hỏi tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý hoặc sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 6 Điều 52 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Như vậy, trong quá trình được nhận trở giúp pháp lý, anh/chị nộp các hồ sơ được nêu tại bài viết này và trong suốt quá trình nhận trợ giúp pháp lý, anh/chị sẽ không phải trả bất cứ loại chi phí nào khác. Nếu người trợ giúp có các hành vi sách nhiễu thì có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo và buộc phải hoàn trả những lợi ích đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.